Trước khi sự kiện khai trương H&M diễn ra vài tháng, thương hiệu thời trang Zara cũng đã từng làm rầm rộ thị trường thời trang Việt Nam khi đổ bộ về đây.
Nhanh - đẹp - rẻ
Lý giải cơn sốt xình xịch của giới trẻ trước thông tin các thương hiệu thời trang bình dân ngoại vào thị trường Việt Nam, chủ một nhãn hiệu thời trang trong nước cho rằng yếu tố quan trọng nhất chính là hàng hiệu hợp túi tiền.
“Khi mặc lên, họ có niềm tự hào là đang mặc hàng ngoại, trong khi giá cả hợp túi tiền và kiểu dáng khá dễ mặc với số đông”, người này bình luận.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty An Phước, cũng cùng quan điểm khi cho rằng, chính định vị là thời trang nhanh đã giúp các thương hiệu quốc tế như Zara hay H&M thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ Việt.
“Đó là những sản phẩm có thương hiệu trong khi giá vừa tầm và kiểu dáng được cập nhật liên tục”, bà Điền bình luận.
Theo bà Điền, việc định vị rõ phân khúc khách hàng và chiến lược tiếp cận đã khiến các thương hiệu thời trang quốc tế này ghi điểm không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường quốc tế khác.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay chắc chắn đến một lúc nào đó bà cũng phải đa dạng hoá sản phẩm, đối tượng cũng như cách tiếp cận. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng nhắm tới vẫn sẽ là người từ 35 tuổi trở lên.
|
Hàng trăm người xếp hàng chờ vào bên trong cửa hàng đầu tiên của H&M tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Chính chiến lược ứng biến linh hoạt và phản ứng nhanh với thị trường, kéo theo việc xây dựng chuỗi cung ứng nhanh đã làm nên thành công của những thương hiệu như Zara hay H&M.
Nếu các thương hiệu thời trang trong nước cập nhật mẫu mã theo mùa thì Zara, thương hiệu thời trang bình dân đến từ xứ sở bò tót lại cập nhật mẫu mã theo tuần. Trung bình, mỗi tuần Zara đưa ra thị trường 2 mẫu mới và khoảng hơn 10.000 thiết kế mới trong một năm cho 16.000 cửa hàng trên toàn cầu.
Tốc độ của các thương hiệu thời trang nhanh như Zara hay H&M làm cho tất cả đối thủ khác phải chóng mặt. Chỉ mất khoảng 10 đến 15 ngày để các mẫu thiết kế từ trên sàn diễn đến tay người tiêu dùng. Mọi khâu đều nhanh chóng tạo thành một chuỗi cung ứng phản ứng nhanh và vô cùng linh hoạt.
“Thời trang nhanh” với đặc trưng nổi bật là giá cả hợp lý hiện là ngành hàng phát triển mạnh nhất, tiếp theo đó, các ngành hàng khác như rạp chiếu phim, giải trí và ẩm thực.
"Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ đang hoạt động tại Việt Nam đang dần nhanh nhạy hơn trong việc đáp ứng những nhu cầu thường nhật của khách hàng và đưa ra những mức giá phù hợp hơn với túi tiền của người tiêu dùng”, ông Phạm Thái...