“Vị trí có mụn có thể gửi thông điệp rõ ràng về sức khỏe và yếu tố vệ sinh của bạn” - đây là nhận định của chuyên gia da liễu Joshua Zeichner, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về bệnh da liễu và mỹ phẩm, tại phòng khám da liễu, Bệnh viện Mt. Sinai ở thành phố New York (Mỹ).
Mụn đang mọc ở đâu trên da mặt bạn? - Ảnh: Internet
Trán: hãy kiểm tra tim và hệ tiêu hóa
Nổi mụn vùng trán là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bạn kém, thiếu nước hoặc do tích luỹ độc tố hay ruột non gặp vấn đề khi tiêu hóa thức ăn.
Vị trí mụn ở trán cũng tương ứng với phần tim, những người chịu áp lực tâm lý lớn mất ngủ, tim hồi hộp, nóng trong người trong thời gian dài làm thần kinh không ổn định, nhiệt theo huyết mạch chảy lên phần mặt cũng dễ nổi mụn ở trán.
Đơn giản nhất là bạn nên bổ sung nước vào cơ thể để chúng thải ra những độc tố. Lưu ý nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày. Bạn có thể uống một cốc trà xanh giúp trung hòa độc tố.
Ngoài ra, bạn có thể dùng khoảng 12g tim hạt sen, 12g táo nhân hãm trong nước sôi để uống hàng ngày để mát cơ thể.
Mũi: hãy kiểm tra buồng trứng và hệ sinh sản
Cánh mũi thường mọc mụn có liên quan đến chức năng buồng trứng hoặc cơ quan sinh sản. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như chất béo dưới da bài tiết quá nhiều, nếu cánh mũi bạn có hiện tượng bong da cho thấy tuần hoàn máu không tốt.
Tình trạng mụn nổi ngay sống mũi là dấu hiệu cảnh báo dạ dày và nội tạng của bạn đang nóng lên, hệ tiêu hóa làm việc không tốt.
Vì vậy, bạn cần tránh ăn những thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng, tránh ăn nhiều đồ chiên xào. Siêng năng tập thể dục, vận động cơ thể. Bên cạnh đó, nếu kinh nguyệt bạn không ổn khiến nổi mụn thì bạn lập tức đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt.
Má: hãy kiểm tra tình trạng phổi
Mụn mọc ở má phản ánh tình trạng phổi của bạn không được khỏe mạnh, nguy cơ bạn đang mắc bệnh về hô hấp có thể do hít không khí ô nhiễm nên nổi mụn ở vị trí này.
Hoặc do các vật dụng thường xuyên tiếp xúc với má như điện thoại, chăn gối… không được sạch sẽ nên dễ dàng nổi mụn.
Mụn dưới má có thể do bạn vệ sinh răng miệng kém, viêm nướu, vì vậy, bạn nên dùng chỉ nha khoa, tránh ăn bánh ngọt và uống nước có gas.
Mụn quanh miệng: hãy kiểm tra hệ tiêu hóa
Mụn nổi quanh miệng là do vấn đề tiêu hóa của bạn yếu. Theo Đông y gọi là tỳ vị có vấn đề. Tỳ có chức năng hấp thu và vận chuyển chất dinh dưỡng. Vị (dạ dày) tiếp nhận thức ăn. Do đó, khi tỳ vị có vấn đề do ăn uống không điều độ dẫn đến nổi mụn quanh miệng. Đồng thời, tỳ vị yếu kèm theo các triệu chứng như đi tả, táo bón… nguy cơ bị dạ dày rất cao.
Do đó, bạn hạn chế ăn những thực phẩm quá chua, dầu mỡ nhiều. Cần ăn nhiều trái cây để tăng cường chất xơ. Bạn nên ăn các chế phẩm từ đậu như đậu xanh, đậu đỏ…
Cằm: hãy kiểm tra ruột non và hệ sinh sản
Nổi mụn cằm có liên quan đến ruột non hoặc hệ sinh sản đang gặp vấn đề. Nếu mụn cằm chỉ nổi khi bạn đang trong chu kỳ kinh nguyệt thì là do thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể nên chỉ cần bạn hạn chế vận động quá nhiều để hạn chế tăng tiết mồ hôi và bổ sung trái cây giải nhiệt.
Khi mụn cằm liên quan đến ruột non thì bạn cần tránh xa các thực phẩm từ sữa và đồ ăn nhiều dầu mỡ và tập dần thói quen ăn uống lành mạnh hơn.
KHA MY (Tin8)