Ngôi nhà nhỏ với khoảng sân gạch gồ ghề của vợ chồng bà Vũ Thị Chúc và ông Bùi Văn Hải nằm nép cuối con ngõ vắng ở cụm 4 xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Trừ trưa và chiều tối khi con trai và con dâu đi làm về, gian nhà hầu như luôn im phăng phắc. Dù mới đoàn tụ sau hơn 20 năm xa cách nhưng cặp vợ chồng gần 60 tuổi ít khi nói gì với nhau. Trở về sau thời gian dài lưu lạc, bà Chúc đã dần quen nhịp sống mới, nhưng vẫn nhớ mãi đứa con đang ở xứ người.
Bà Vũ Thị Chúc sinh năm 1962 trong gia đình nghèo. Bà và ông Hải nên duyên từ sự gán ghép của hai bà mẹ. Ông Hải kém vợ 3 tuổi, từ thời thanh niên đã có phần ngờ ngệch và yếu ớt, quanh năm chỉ quanh quẩn ở nhà.
Lấy nhau về, hai vợ chồng bà Chúc sinh con trai. Vợ cấy lúa, nuôi gà, chồng thỉnh thoảng đỡ đần cơm nước, cuộc sống đơn sơ nhưng cũng ấm áp bởi tiếng ríu rít trẻ thơ. Năm 1997, một người hàng xóm rủ bà Chúc ra Hà Nội làm vì "thương cảnh nhà nghèo".
|
Sau 21 năm bị lừa sang Trung Quốc và có gia đình mới tại đó, bà Vũ Thị Chúc đã trở về đoàn tụ với chồng đã dần quen với cuộc sống mới nơi quê nhà. Ảnh: MT. |
"Tôi căm thù người đàn bà ấy", thỉnh thoảng, ánh mắt người phụ nữ vốn có gương mặt hiền lành lại ánh lên vẻ giận dữ khi nhắc tới người hàng xóm đã đẩy mình vào cuộc đời đầy bi kịch. "Tôi nhớ như in hôm ấy, bà ta dẫn tới một quán ăn lạ, nói tôi sẽ rửa bát, bưng bê tại đó. Thấy có nhiều người nhốn nháo, tôi đã cảm giác không yên dạ nên định chạy về theo nhưng bị người chủ quán kéo tay lôi lại", bà Chúc kể.
Ngày hôm sau, bà chỉ nhớ sau khi ăn bát phở họ cho thì buồn ngủ rũ rồi thiếp đi. Lúc mở mắt, bà ở một nơi lạ hoắc cùng vô số phụ nữ khác. "Tôi bị họ lùa vào hàng, rồi đám đàn ông từ đâu tới, nhòm vào tận mặt, người lắc đầu bước tiếp, kẻ định lôi tôi đi. Tôi sợ hãi không theo thì bị tát, đánh cho xây xẩm", bà Chúc kể lại chuyện 21 năm trước như vừa xảy ra hôm qua.
Sợ mình bị đánh đến chết nên sau đó, khi có người đàn ông trung niên trông dữ tợn tới săm soi, kéo đi, bà ngoan ngoãn bước theo. Bà được đưa về làm vợ một người nông dân tầm hơn 40 tuổi ở Quảng Đông, Trung Quốc, ở chung với bố mẹ và anh chị ông ta. Vừa lạ vừa sợ, không biết tiếng, lại quắt ruột nhớ con nơi quê nhà, ngày đêm bà chỉ biết khóc. "Hồi đó nhà họ đối xử với tôi cũng tốt, luôn mang đồ ăn ngon tới nhưng tôi không thể nuốt nổi", bà kể.
Rồi mọi việc cũng nguôi ngoai. Sau 3 tháng, bà không còn khóc nữa, bắt đầu ra khỏi nhà, đi làm nương cùng gia đình họ. Nhưng ngày cũng như đêm, bà như tù nhân, bị xích tay vào chồng. "Tôi chỉ được thả ra vài phút mỗi ngày khi đi vệ sinh, đi tắm", bà kể.
Ở Trung Quốc gần 2 năm, bà sinh con gái. Sinh xong, người mẹ bị rong kinh kéo dài, thân thể héo mòn. "Anh chồng, chị dâu muốn đưa tôi đi viện nhưng 'ông ta' (chồng) không cho vì 'làm gì có tiền'. Tôi tưởng mình không sống được qua đận đó", bà kể. Cũng may, vài tháng sau, sức khỏe bà hồi được vài phần. Nhưng cô con gái lại qua đời vì ốm yếu. Không lâu sau, bà Chúc sinh một bé trai.
"Ở bên đó, tôi không gặp người Việt nào, cũng chẳng được gọi điện cho ai. Thỉnh thoảng, tôi cứ thấy bồn chồn, hắt hơi liên tục, nghĩ thể nào ở quê cũng có chuyện. Sau này hỏi ra thì đúng thật", bà trầm giọng.
Bà Chúc kể, ở nhà chồng tại Trung Quốc, bà không bao giờ có tiền trong người, thỉnh thoảng chồng chỉ đưa vài đồng mua thức ăn. Là người vốn cam chịu, bà không than thở gì. Nhưng cuộc sống cũng chỉ êm đềm vài năm thì ông ta cưới về một người vợ nữa và thường xuyên đánh đập bà. "Ông ấy lôi tôi vào phòng, khóa trái cửa lại, cứ thế...