Sự thâm nhập của smartphone vào cuộc sống con người khiến chúng ta làm gì cũng phải có chiếc điện thoại trên tay. Đi ăn, đi chơi, đi cà phê, họp nhóm... và thậm chí là đi vào toilet người ta cũng không thể bỏ quên chiếc smartphone này. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, ngoài việc gây mất vệ sinh cho chiếc điện thoại của bạn thì thói quen này còn ẩn chứa nhiều mối nguy hại khôn lường nếu bạn tiếp tục lạm dụng nó khi đi vệ sinh.
Bên cạnh đó, việc đem sách, báo hay truyện vào toilet để đọc cũng gây nhiều hậu quả tương tự. Cụ thể là kéo dài thời gian đi đại tiện của bạn và gây ra các bệnh sau:
Bệnh trĩ
Theo lời khuyên của bác sĩ Gregory Thorkelson Khoa Tiêu hóa trường Đại học Pittsburgh (Mỹ), thời gian đi đại tiện không nên vượt quá 15 phút vì điều này lâu dần sẽ tạo thành thói quen xấu, dần dần tự gây bệnh trĩ.
Ngoài ra, việc mang theo smartphone khiến bạn không tập trung vào “mục đích chính” mà phân tán đầu óc cho các việc đọc báo, lướt Facebook, chat… khiến thời gian đi toilet có thể kéo dài lên tới 30 phút. Đây quả là một thói quen xấu, không những gây mất thời gian mà còn làm hại đến sức khỏe và đường tiêu hóa của bạn.
Ngoài ra, bác sĩ Gregory Thorkelson cũng khuyên rằng, bạn nên tạo thói quen đi đại tiện vào mỗi sáng lúc vừa thức dậy nhằm giúp hoạt động của đường ruột tốt hơn, phòng bệnh táo bón và ngăn ngừa tối đa nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Để hình thành được thói quen này, bạn phải thật kiên trì vì đôi khi không có “nhu cầu” cũng phải “đi”. Chỉ sau một thời gian ngắn, thói quen này sẽ cho kết quả và giúp bạn đi đúng giờ, đảm bảo hoạt động đều đặn của đường ruột và ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tiêu hóa.
Táo bón
Theo phân tích của bác sĩ Gregory Thorkelson, quá trình đại tiện cũng như tiểu tiện đều được thực hiện một cách tự nhiên theo quy trình của nó. Cụ thể, khi chất thải trong cơ thể chạy xuống ruột già, nó sẽ tạo ra một áp lực giúp kích thích cơ thể thải nó ra khỏi hậu môn dưới sự điều khiển của hệ thần kinh và hệ thống các cơ.
Khi quá trình đại tiện diễn ra, cơ bụng co thắt liên tục để tạo ra áp lực gia tăng trong ổ bụng, nội hậu môn cũng làm nhiệm vụ co thắt để góp phần thúc đẩy chất thải ra ngoài.
Tuy nhiên, nếu hệ thần kinh mải tập trung vào việc khác như chơi game, lướt Facebook, chat cùng bạn bè hoặc đọc báo… thì cơ thể sẽ không huy động đủ “lực” cũng như sự “chỉ huy” từ hệ thống thần kinh để tạo nên sức mạnh cho các cơ bụng, cơ hoành để đẩy chất thải ra ngoài theo cách tự nhiên.
Nếu điều này kéo dài, theo thời gian cơ thể sẽ thích nghi với nó làm cho quá trình đi đại tiện bị khó khăn hơn, thời lượng cũng kéo dài hơn. Lâu ngày sẽ gây ra hiện tượng táo bón. Nếu không được khắc phục, triệu chứng này sẽ ngày một trầm trọng hơn.
Chưa hết, việc ngồi quá lâu trong toilet khiến cho đại tràng có thêm thời gian thấm hút thủy phân, làm khô chất thải bên trong ruột già, dẫn đến táo bón nặng hơn.
Nếu nhà bạn có wifi mạnh thì chắc là ngồi toilet cả tiếng cũng không ai muốn ra
Thiếu ôxy hoặc ngất xỉu
Khi cơ thể chúng ta ngồi quá lâu ở một tư thế sẽ khiến bạn có cảm giác mỏi nhừ, các cơ và hệ thần kinh sinh ra sức ì, chân tay có thể bị tê và lưng bị mỏi, sau khi đi đại tiện khiến bạn có cảm giác mình bị mất sức như vừa lao động nặng nhọc về.
Không những thế, lúc đứng dậy bạn sẽ có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, đầu óc choáng váng vì lượng máu lên não không kịp do bật dậy đột ngột sau thời gian ngồi quá lâu.
Ngoài ra, môi trường trong nhà vệ sinh ẩm ướt, bí hơi, lại bị đóng cửa quá lâu cũng là một nguyên nhân khiến bạn cảm thấy thiếu ôxy, khó thở và thậm chí là ngất xỉu.
Do đó, nếu không có việc gì gấp, tốt nhất bạn đừng nên mang theo smartphone vào toilet để tránh các nguy cơ trên. Riêng với người lớn tuổi mắc các bệnh về tim mạch, mạch máu não thì nói không với thói quen này, đồng thời sử dụng toilet ngồi bệt thay vì ngồi xổm.
Rơi mất điện thoại
Dù hậu quả này không liên quan gì đến sức khỏe nhưng nếu xui xẻo làm rớt smartphone trong toilet chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất bực mình.
Điều này rất dễ xảy ra vì việc ngồi quá lâu trong toilet sẽ khiến bạn bị phân tâm, chân tay mỏi nhừ, luống cuống rồi dẫn đến bất cẩn làm rơi hoặc đặt nhầm điện thoại vào nơi “không nên vào”. Bạn đã từng gặp tình huống éo le như vậy ngoài đời bao giờ chưa?
TUẤN TÚ (Tin8, Ảnh minh họa: Internet)