Vài năm trước, tôi suy nghĩ rất nhiều về chuyện đầu tư. Khi ấy tôi vừa qua tuổi 20, có một khoản tiền không nhỏ cũng không lớn trong tay, và chẳng biết xin ý kiến hay nói chuyện với ai về chuyện này. Có giống bạn bây giờ không? Nếu giống, có lẽ tôi có thể giúp được bạn đấy.
Bạn đang ở hoàn cảnh thế nào? Tôi thì như thế này...
Càng lớn lên, tôi càng nhận ra niềm vui không phải lúc nào cũng đơn giản. Niềm vui khoe tháng lương đi làm thêm đầu tiên thật khác với niềm vui lần đầu kiếm được 30 triệu – đó là niềm vui vừa làm mình bối rối, vừa làm mình hơi sợ. Bối rối là vì bạn bè thân quanh mình vẫn đang loay hoay với thu nhập làm thêm, và vài tháng trước mình cũng y hệt họ. Sợ là vì chẳng biết làm gì tiếp – không thể kể với bạn vì sợ những ganh đua âm thầm làm tình bạn sứt mẻ, không thể Google vì chẳng mấy ai “lôm côm” như mình.
Phần lớn những kết quả google cho tôi là làm thế nào để khởi nghiệp với hai bàn tay trắng (“Nhưng tôi không phải là người sẵn sàng bỏ tất cả để kinh doanh!”), hay làm thế nào để tái đầu tư tài sản của bạn hiệu quả (“Nhưng tôi đã làm gì có nhiều tiền đến thế?”). Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng việc kiếm ra khoản tiền lớn đầu tiên trong đời lại làm mình thấy bế tắc đến thế. Vậy là tôi gửi ngân hàng, ngậm ngùi cố quên việc nhân 5 nhân 10 nó lên và cho nó vào quỹ Tiết kiệm lấy chồng của mình.
Phải tới bây giờ tôi mới nhận ra mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đến thế nào. 25 tuổi là thời điểm khiến bạn cảm thấy rất chông chênh. Nhìn lên các anh chị thì thấy mình cũng hơn được nhiều người, nhưng nhìn xuống lại thấy mình chẳng bằng mấy em 19 20 (hoàn toàn ngược lại với những gì tôi từng nghĩ). Và quan trọng là, sự nuối tiếc đã khiến tôi nhìn rất rõ một điều – từ 20 tuổi, bạn đã hoàn toàn có thể đầu tư thu nhập của mình để kiếm lời, chứ không cần phải chờ đến khi mình thực sự “là người lớn” (tin tôi đi, 5 năm nữa bạn cũng vẫn chưa dám khẳng định chắc chắn mình đã là người lớn đâu).
Vậy, chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Hãy bắt đầu từ khoản tiền bạn có để sẵn sàng đầu tư nhé. Tôi nghĩ mức tối thiểu bạn có thể bắt đầu là 15 triệu đồng. Vì khoản tiền tối thiểu bạn nên bắt đầu đầu tư là 10 triệu đồng, và bạn cần gửi tiết kiệm 5 triệu đồng còn lại. Không bao giờ cho tất cả trứng của mình vào một giỏ là bài học đầu tiên – một bài học có lẽ cũng rất nhiều các sách vở và bài báo trên mạng nói với chúng ta rồi. Chiếc giỏ an toàn nhất vẫn luôn là các ngân hàng, tạm thời hãy dùng nó đã.
Rồi, tôi nên làm gì với 10 triệu (hoặc 15 triệu, hoặc 25 triệu) còn lại của mình?
Tôi tạm thời coi những khoản tiền lớn hơn 30 triệu là khoản tiền đủ lớn để bạn có nhiều lựa chọn dễ dàng hơn. Những khoản tiền “lỡ cỡ” như chúng ta đang có mới là khó nhất. Bạn có thể làm gì? Đây là những phương án mà tôi đã rất tiếc vì không lựa chọn từ vài năm trước:
1. Học về chứng khoán
Chứng khoán không phải là những ông chú mặc vest đen đi lại và gào thét – tôi không nói rằng nó đơn giản, nhưng nó không phức tạp như báo đài thường gài vào suy nghĩ của chúng ta. Có rất nhiều cách để bạn chơi chứng khoán một cách an toàn, ví dụ như mua cổ phiếu ở những công ty lớn và đáng tin cậy, thay vì hùn tất cả tiền của mình vào một công ty đầy rủi ro (rồi thắng đậm hoặc mất tất cả như trong phim).
Hãy thử tìm kiếm “Khoá học chơi chứng khoán”, bạn sẽ tìm được không ít kết quả đáng tin cậy. Một khoá học chứng khoán sẽ giúp bạn có khả năng tự kiếm cho mình những đồng lãi có tỉ số cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng khá nhiều, và tới khi bạn thành thục, đây sẽ chính là “ngân hàng thứ hai” của bạn.
2. Đầu tư vào một cửa hàng kinh doanh (trà sữa, thời trang, nhà hàng,... tuỳ bạn chọn!)
Những năm trước, tôi thường đánh đồng rất nhiều thứ với nhau. Một cửa hàng cũng không khác gì một thương hiệu, cửa hàng thời trang cũng không khác cửa hàng trà sữa là mấy. Nhưng không bạn ơi, hoá ra chúng khác nhau rất nhiều bạn ạ.
Khi đầu tư vào một cửa hàng, số tiền bạn cần bỏ ra ít hơn rất nhiều khi đầu tư vào việc xây dựng một thương hiệu. Đôi khi chi phí ấy chỉ rơi vào khoảng 100 triệu, và 10 triệu đồng của bạn đã là 10% rồi! Từ 10%, bạn hoàn toàn đã có thể tự tin xin cùng đầu tư chung với những người đang có ý định mở một cửa hàng riêng, và đóng góp thêm vào cửa hàng bằng công việc chuyên môn của mình. Đó là marketing, vận hành hay kế toán thì tuỳ thuộc ở bạn – miễn rằng đó là một công việc “part-time” không thay đổi quá nhiều đến công việc thường ngày của bạn, thì đó việc đáng làm.
Nếu vấn đề chỉ đơn giản là tiền, thì tại...