Những vụ bắt cóc trẻ em gây rúng động
Càng ngày càng có nhiều vụ bắt cóc trẻ em diễn ra với tình tiết phức tạp
Những ngày này, dư luận đang xôn xao về vụ bắt cóc hai bé gái rồi hiếp dâm và sát hại dã man của Đào Văn Hùng. Sự việc xôn xao cả vùng quê xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, gây không ít hoang mang cho người dân nơi đây. Trước đó, hai cháu gái là chị em họ được thông báo mất tích vào tháng 5-2016, đến bây giờ gia đình mới nhận được tin là hai cháu đã qua đời.
Trước đó, chiều 4-4-2016, tại thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận, đối tượng Nguyễn Bảo Vũ (24 tuổi, trú tại thị trấn Liên Hương) đã bắt cóc rồi sát hại cháu N. (11 tuổi). Sau đó Vũ còn nhắn tin cho bố nạn nhân đòi số tiền chuộc 200 triệu đồng. Cuối cùng Vũ bị bắt và bị xử tử hình về tội danh giết người, tống tiền.
Những sự việc gây đau lòng liên tiếp xảy ra với các trẻ em như một hồi chuông cảnh báo về nạn bắt cóc, tống tiền và thậm chí là giết người. Vậy các bậc phụ huynh phải làm gì để bảo vệ sự an toàn của con em?
Trang bị cho trẻ những kĩ năng cần thiết
Tập trẻ em hét lên khi bị người lạ mang đi
Theo trung tá, TS Hà Thị Hồng Lan (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện CSND), bắt cóc trẻ em là một loại tội phạm rất nguy hiểm, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, có xu hướng gia tăng và ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Các đối tượng bắt cóc thường nhằm mục đích tống tiền (chiếm đoạt tài sản) hoặc trả thù cá nhân, trong đó mục đích chiếm đoạt tài sản là chủ yếu.
Không nhận đồ ăn, thức uống từ người lạ
Cha mẹ nên nhắc nhở các bé nhất quyết không đi theo người lạ nếu không được dặn trước. Ngoài ra, cần tránh xa những kẻ có dấu hiệu đi theo con, dù kẻ đó đang đi bộ hay đi xe máy/ô tô... Ngoài ra phải thật cẩn thận với những lời nhờ giúp đỡ. Cha mẹ nên cảnh báo các bé rằng chẳng có người lớn khỏe mạnh nào nhờ trẻ nhỏ giúp đỡ cả. Bất cứ người lạ nào nói với bé những câu như: Bố mẹ cháu đang gặp tai nạn, để cô/chú/bác/... đưa cháu đi đến chỗ bố/mẹ ngay; hoặc con chó của chú đang bị lạc, con cùng đi tìm giúp chú nhé; có bạn muốn gặp con, bạn nhờ cô nhắn con ra ngoài đó… Những câu này đều dặn trẻ không nghe theo và lập tức thông báo với bố mẹ hoặc cô giáo, thầy giáo.
Tập trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ hoặc ghi địa chỉ liên lạc và số điện thoại vào một tấm giấy nhỏ khi trẻ ra khỏi nhà
Ngoài ra, cha mẹ nên mô tả cho các bé những “người lạ an toàn” như các chú cảnh sát giao thông, bảo vệ… Cần tránh xa những người cố tình đưa bé đi đâu đó, tốt nhất là dạy bé nên hét lên “đây không phải là cha mẹ cháu” trong trường hợp này. Tập bé thói quen đi thưa về gửi, nhắc nhở con không ai được phép chạm vào "vùng kín" của con và con cũng không được phép chạm vào "vùng kín" của bất cứ ai…
Không phải tất cả người lạ đều là người xấu. Hãy mô tả cho bé rằng cảnh sát là người đáng tin cậy.
Hãy tập cho bé từ những thói quen nhỏ, bạn sẽ tránh được cho bé những hiểm họa lớn về sau!
NGÂN LÊ (Tin8, ảnh: Internet)