Dữ liệu đo được trong ngày nhanh chóng chuyển tới nhà đài để phát sóng
Hiện nay, khoa học hiện đại dường như đã giải quyết được khá chính xác rất nhiều bí ẩn của tự nhiên, nhưng dự đoán hiện tượng thời tiết lại đi theo một quy luật khó lý giải khác. Trên thế giới rất nhiều trường hợp ghi nhận những pha dự đoán nhầm, dự đoán sai đến mức độ gây ra trò cười cho công chúng từ các trung tâm khí tượng. Nắng thì hóa ra mưa, dự đoán bão nhỏ thì hóa ra bão lớn... khiến cho chúng ta "trở tay không kịp".
Những nghiên cứu khoa học thành công đưa con người lên mặt trăng, chinh phục thế giới bên ngoài trái đất như mặt trời và các vì sao có lẽ chưa đủ làm lý do bào chữa cho những sai lầm ngớ ngẩn này. Vậy thời tiết có tuyệt chiêu gì qua mắt được các nhà khí tượng?
Trên thực tế, các nhà khí tượng hiện đại dự báo thời tiết dựa trên các công thức cũng như mô hình toán học. Phương pháp này cần đến sự hỗ trợ của các siêu máy tính cùng một lượng lớn dữ liệu quan sát mặt đất, không khí và đại dương. Theo công thức như vậy, hàng ngàn trạm ở khắp mọi nơi trên thế giới liên kết với nhau. Còn dữ liệu sẽ thu thập lại từ các cảm biến nhiệt độ, độ ẩm được đo trên các máy bay thương mại hay phao cứu sinh lênh đênh trên mặt biển. Các khinh khí cầu và vệ tinh sẽ đảm nhận nhiệm vụ thu thập thông tin trên tầng cao khí quyển.
Hiện tượng vòi rồng khiến chúng ta khiếp sợ
Theo đó, có tới hàng triệu dữ liệu thời tiết khác nhau được thu thập hàng ngày. Số lượng dữ liệu khổng lồ này sẽ được nạp vào một siêu máy tính, dùng các thuật toán khá phức tạp để dự đoán sự thay đổi của khí hậu. Kết quả cuối cùng được các bộ phận xử lý cung cấp cho chương trình dự báo thời tiết trên phát thanh hay truyền hình cả nước.
Đừng nghĩ rằng siêu máy tính thì không bao giờ mắc lỗi nhé, thời tiết vẫn luôn là một "cô nàng đỏng đảnh" và khó chiều bậc nhất, bởi mỗi hiện tượng thời tiết chịu ảnh hưởng của nhiều biến số và yếu tố ảnh hưởng khác nhau, dẫn đến những sai lệch nhất định, thậm chí nhiều khi thay đổi đột ngột làm các nhà thời tiết học cũng trở tay không kịp và chỉ còn biết thở dài ngao ngán.
Tình trạng hạn hán và ngập mặn kéo dài ở nhiều nơi cũng là "cô nàng thời tiết" bất thường này đây
Bên cạnh đó, một phương tiện hiện đại khác cũng được các nhà khí tượng sử dụng đó là hệ thống Radar Dopper. "Chàng khổng lồ" này cần một bộ phát tín hiệu radio ra ngoài bầu trời, khi gặp phải các vật cản trên bầu khí quyển như gió, mây bay tới sẽ nảy lại. Các đám mây bay tới sẽ có tín hiệu phản hồi từ radar, tín hiệu đó được truyền vào máy tính chờ xử lý, từ đó chúng ta sẽ có các thông tin như mật độ mây ngoài khí quyển, hướng gió hay tốc độ của gió như thế nào.
Hệ thống Radar Doppler thường đặt tại các vị trí cao, ít người
Radar Doppler hỗ trợ rất lớn để nắm bắt các thay đổi của tự nhiên
Tuy nhiên, nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật và những công nghệ hiện đại như ngày nay, các thông số thời tiết đưa ra đã chính xác hơn rất nhiều. Những sai lệch là không thể tránh khỏi do những hiện tượng thiên nhiên bất thường mà chúng ta đôi khi cũng không kiểm soát nổi bởi sự thay đổi hàng giờ. Vậy nên, chúng ta hãy tôn trọng và thông cảm cho các nhà khí tượng nhé.
DZUNG LÊ (Tin8, ảnh: Internet)