Gắp thức ăn là thói quen ăn uống truyền thống của người Việt - Ảnh: Internet
1. Văn hoá ăn uống
Gắp thức ăn cho người khác
Người Việt Nam coi trọng bữa ăn và xem đây là một cơ hội để bày tỏ tình cảm và trò chuyện với nhau. Tuy nhiên, mỗi đất nước sẽ có những văn hoá khác nhau trong quan điểm ăn uống. Chẳng hạn như việc dùng đũa hoặc nĩa cá nhân gắp thức ăn cho nhau trong bữa ăn. Đây có thể hiểu là hành động hiếu khách, muốn dành những phần ngon cho khách mời. Tuy nhiên, một số người nước ngoài lại cảm thấy khó chịu vì vấn đề này. Người nước ngoài coi trọng vệ sinh trong ăn uống rất kĩ, nên họ thường không thích người khác dùng bộ dụng cụ của mình để gắp thức ăn cho họ. Và cũng có thể họ không thích món ăn đó, nhưng vì cả nể và không muốn phí phạm mà họ phải ăn cho hết, gây ra sự bực bội cho khách mời.
Nói chuyện khi đang ăn
Người Việt thường cười nói khi đang ăn để bữa ăn thêm thân mật - Ảnh: Internet
Người Việt Nam cũng thích trò chuyện trong lúc đang ăn, nhưng điều này sẽ trở nên phản cảm nếu bạn cứ vừa nhai thức ăn trong miệng vừa vô tư cười nói với người đối diện.
Lấy thức ăn nhiều và không ăn hết
Biển cảnh cáo được dịch qua tiếng Việt - Ảnh: Internet
Tâm lý chung của người Việt khi đi ăn buffet là mình đã trả tiền rồi nên mình có quyền được ăn hết những món ăn trong nhà hàng. Điều này là đúng, tuy nhiên nhiều người Việt có xu hướng “cái mắt to hơn cái bụng”, họ thường lấy thức ăn đầy ắp dĩa và để đầy bàn, dù không chắc là mình có ăn hết hay không.
2. Văn hoá ứng xử nơi công cộng
Bệnh trễ giờ
Nhiều người Việt thường xài "giờ dây thun" - Ảnh minh họa: Internet
Thật đáng buồn khi nhắc đến người Việt nam, nhiều người sẽ lắc đầu ngao ngán vì chứng “bệnh nan y” mà từ cấp cao đến ngay cả nhân viên đều mắc phải, đó là bệnh trễ giờ. Ít thì 5 hoặc 10 phút, nhưng có khi trễ gần 1 tiếng đồng hồ. Điều này làm ảnh hưởng chung đến công việc và tiến độ của cả một tập thể, nhất là trong những chuyến đi du lịch với đoàn hay những buổi họp gặp mặt quan trọng. “Ở Nhật nếu đến muộn khoảng 10 phút họ liền cúi gập đầu xin lỗi, thậm chí quỳ trước ô tô xin lỗi cả đoàn nhưng ở mình thì khác, đến muộn mặc kệ, ai chờ mặc kệ” - một người Việt ở Nhật từng chia sẻ.
Ồn ào nơi công cộng
Nói chuyện, cười giỡn một cách lớn tiếng nơi công cộng là một “đặc điểm” dễ nhận diện của nhóm du khách người Việt Nam. Ngôn ngữ Việt Nam có nhiều thanh sắc khác nhau, nên nếu lần đầu tiên nghe, người nước ngoài sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu phải chịu đựng với một cường độ âm thanh lớn và kéo dài như vậy. “Tôi đưa khách đi du lịch nước ngoài, khoảng 10 chuyến thì có đến 6 chuyến bị khách sạn, nhà hàng nhắc nhở về chuyện du khách Việt nói quá to. Trong một nhà hàng đang rất im lặng nhưng có người Việt Nam vào là ồn ào được ngay. Người nước ngoài họ rất tôn trọng không gian riêng tư của nhau nên hành động nói to khiến họ rất khó chịu” - một hướng dẫn viên dẫn khách du lịch Việt đi tham quan chia sẻ. Thêm vào đó, người Việt cũng có thể vô tư khạc nhổ, xì mũi, thậm chí là quẹt bã kẹo cao su ở nơi công cộng mặc cho những ánh nhìn ái ngại và ghê sợ của người xung quanh, bất chấp những luật lệ ở nước ngoài (ăn kẹo cao su ở Singapore sẽ bị phạt tiền rất lớn thậm chí phải bị ở tù).
Chen lấn, giành phần ưu tiên
Nhiều người Việt không xếp hàng mà luôn chen lấn - Ảnh minh họa: Internet
Trong những trường hợp buộc phải xếp hàng như khi đi tàu xe hay mua hàng hoá, người Việt mình không có thói quen xếp hàng và thường dùng đủ mọi cách để có thể chen lấn hay xin người khác nhường cho mình dù thật ra không có việc gấp hay vấn đề về sức khoẻ gì hết. Thậm chí, ở những nơi công cộng không có ghế, trong khi người nước ngoài có thể đứng chờ dù rất mỏi chân, thì người Việt Nam ngang nhiên tụm lại rồi ngồi bệt xuống, gây nên cảnh nhếch nhác không đáng có.
3. Ý thức và đạo đức
Ăn cắp vặt
Biển cảnh báo ăn cắp vặt dịch sang tiếng Việt
Mặc dù không hẳn là có mục đích và động cơ xấu, chỉ là tiện tay “cầm nhầm” nhưng chính những hành động đó đã khiến người nước ngoài phải cảnh giác với người Việt. Ở khách sạn, khách thuê phòng vô tư lấy đi khăn tắm, dép mang trong phòng, xà bông, gương lược.. nói chung tất cả những thứ có thể lấy được đều để vào hành lý, khiến các hướng dẫn viên phải nhiều phen muối mặt với chủ khách sạn. Tệ hơn, trong các cửa hàng tại nhiều nước, người ta phải treo nhiều tấm bảng cảnh cáo được dịch qua tiếng Việt để nhắc nhở người Việt Nam không được ăn cắp vặt nữa vì tình trạng này diễn ra ở rất nhiều cửa hàng.
Đi tham quan cũng như không
Du khách nước ngoài, trước khi đến nơi nào họ tìm hiểu rất kỹ về nơi đó. Không chỉ về lịch sử, văn hóa, luật pháp mà còn cả về giá cả, khoảng cách đường đi, phương tiện di chuyển…, từ cái lớn nhất là toàn cảnh quốc gia đó đến những điều nhỏ nhất, để chuyến đi “đáng đồng tiền bát gạo” bỏ ra. Trong khi đó, du khách Việt thì hầu như đi du lịch theo cảm tính, ngẫu hứng, với quan niệm đơn giản du lịch là đi chơi, thư giãn, “đi cho biết người biết ta”, thậm chí là đi để tiêu tiền, để khoe khoang như người “sành điệu”. Vì vậy, nhiều người thường không tìm hiểu về nơi sẽ đến ( vì nghĩ đã có hướng dẫn viên), nơi nào nhiều người đi thì rủ nhau đi… Điều đó ảnh hưởng đến những hướng dẫn viên cũng như người thuyết trình vì họ sẽ bị phân tâm và mất tập trung khi không ai chịu lắng nghe, để rồi sau đó hỏi lại những câu hỏi hết sức ngô nghê về những thông tin đã được giới thiệu.
Người nước ngoài đi du lịch để khám phá, tham quan - Ảnh: Internet
Kết
Xã hội ngày một phát triển và Việt Nam đang trên đà hội nhập với bạn bè quốc tế trong nhiều lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế... Vì thế, chúng ta không thể xem thường những hành vi nhỏ nhưng để lại hậu quả lớn này, bởi nó sẽ làm ảnh hưởng đến cái nhìn và thiện cảm của người nước ngoài đối với dân tộc ta.
THẢO MY (Tin8)