Chiếc micro được ví như “ổ vi khuẩn” vì đây là môi trường sinh sống vô cùng lý tưởng dành cho vi khuẩn và virus gây bệnh. Bởi, khi người ta hát rất to, gào thét vào micro có xu hướng “bắn” nước bọt vào. Sau khi hát xong micro được chuyền tay từ người này sang người khác được dịp bám thêm vi khuẩn. Chưa kể, chiếc micro ấy còn là phương tiện lây lan của không biết bao nhiêu loại virus từ việc bạn đi vệ sinh từ toilet và người không rửa tay sau khi đi xong.
Khi bạn chạm vào, vi khuẩn sẽ dính lên tay, tay bạn lại chạm nhiều vùng khác của cơ thể. Thậm chí, có nhiều người có thói quen chạm môi vào micro để “diễn sâu” và đây là con đường nhanh nhất đưa vi khuẩn vào cơ thể. Cứ thế, nhóm hát này đi ra thì có nhóm khác bước vào, cái chuyện dọn dẹp phòng hát thì có, mấy ai nghĩ đến việc vệ sinh cho chiếc micro. Và, vô tình bạn mắc phải cảm, cúm, hay nhiều căn bệnh khác sau đó vài ngày thì bạn chẳng bao giờ nghĩ đến nguyên nhân bắt đầu từ đây cả.
Theo kết quả nghiên cứu của viện Pasteur, sau khi phân tích 3 mẫu micro từ 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP.HCM, kết quả xét nghiệm phát hiện một mẫu micro nhiễm nấm men lên tới 41.000 con, hai mẫu còn lại có sự hiện diện của khuẩn Staphylococcus aureus - dòng khuẩn độc tính.
Đại diện Phòng Kiểm nghiệm hóa lý vi sinh, Viện Pasteur, TP.HCM cho biết: “Khuẩn staphylococcus aureus là vi khuẩn gây nhiễm trùng, cơ hội lây bệnh nguy hiểm, dễ lây lan khi sức đề kháng cơ thể yếu. Cơ chế gây bệnh của khuẩn là có khả năng làm ngưng kết huyết tương kết cụm lại thành mụn mủ, khi gặp da bị xước, khuẩn này làm mủ gây nhiễm trùng trên da, qua đường miệng gây viêm loét miệng, loét họng.
Hơn nữa, chúng hiện diện cả trong thức ăn nhiễm khuẩn, khi người ăn nhiễm khuẩn này, nó tồn tại trong khoang miệng qua tuyến nước bọt, văng ra micro, đây là nơi lý tưởng cho chúng phát triển và truyền nhiễm từ người sang người qua đường hô hấp. Những người mang dòng vi khuẩn độc này mặc dù bản thân họ không có những biểu hiện lâm sàng, nhưng ủ bệnh cho tới khi có điều kiện bùng phát thành dịch. Nấm men cũng là tác nhân gây bệnh nhiễm trùng cơ hội”.
Để phòng tránh bệnh tật thì chiếc micro phải được làm sạch sẽ là điều cần làm nhưng đây lại là điều-không-thể ở những phòng karaoke bởi hiếm ai chú ý đến điều này. Do đó, bạn hãy tự bảo vệ bản thân bằng việc rửa tay trước và sau khi sử dụng micro, tuyệt đối không để micro sát miệng trong khi hát.
UYÊN VỸ (Tin8, Ảnh: Internet)