Trẻ có thể bị tác động tiêu cực vào nhận thức nếu bạn thường xuyên sử dụng những cụm từ thiếu chuẩn xác khi giao tiếp với chúng - Ảnh: Internet
1. “Khi bằng tuổi con, mẹ (cha) đã làm việc này rất tốt”
Giai đoạn từ khi mới sinh đến lúc 6 tuổi, những đứa trẻ coi cha mẹ của chúng giống như những vị thần vì chúng nghĩ cha mẹ biết hết tất cả mọi điều xảy ra trên thế giới này. Trong mắt con trẻ, cha mẹ có thể giúp chúng có “tầm nhìn” và thái độ ứng xử hay với thế giới xung quanh chúng.
Tuy nhiên, trong lúc giao tiếp với con mình, các ông bố bà mẹ thường dụng những cụm từ mà họ nghĩ là đang khích lệ con trẻ như “Con sẽ không bao giờ bắt được mẹ (cha) đâu”; “Dù con làm thế nào đi nữa thì cha (mẹ) cũng có thể làm điều đó tốt hơn con”...
Trong mắt của mỗi đứa trẻ, bố mẹ chúng là những "vị thần" - Ảnh minh họa: Internet
Ở một khía cạnh nào đó, những cụm từ ấy cũng mang ý nghĩa tích cực vì nó là nguồn cảm hứng để con trẻ phấn đấu đạt được mục tiêu mà phụ huynh đang đặt ra. Nhưng vấn đề là những câu nói ấy khiến trẻ nỗ lực đạt mục tiêu không phải vì bản thân chúng muốn có được mục tiêu đó mà chúng thực hiện để cố chứng tỏ cho cha (mẹ) thấy rằng chúng thực sự xứng đáng với sự khích lệ của họ.
Khi lớn lên, chúng sẽ hiếm có cơ hội cảm nhận được hạnh phúc khi đạt được một điều gì đó ngay cả khi đó là thành quả cho chúng “tự thân vận động”. Hạnh phúc của những đứa trẻ này sẽ phụ thuộc vào sự khích lệ và chấp thuận của cha mẹ chúng hoặc những người xung quanh.
2. “Con là con khỉ nhỏ/con mèo nhỏ/con heo nhỏ của bố mẹ” (hoặc đại loại như thế)
Ngay sau khi cha mẹ nói những lời này với trẻ nhỏ, chúng đã bắt đầu hình thành nhận thức mình là một đối tượng, một con vật hoặc một món đồ chơi được nhiều người yêu mến. Nếu thường xuyên nghe thấy những lời “nựng nịu” như vậy, đến khi trưởng thành, đứa trẻ ấy sẽ tự động mặc định đó là những điều tích cực và chúng sẵn sàng “giới thiệu” điều ấy cho bạn bè hoặc những người sống xung quanh chúng theo cách mà bố mẹ đã “nựng nịu” chúng vì chúng hoàn toàn tin tưởng vào những gì bạn nói.
Đó là lý do vì sao bạn nên suy nghĩ cách nói chuyện, cách thể hiện tình thương yêu của bạn đối với con trẻ. Tốt hơn hết là bạn hãy sử dụng tên thật của trẻ trong những câu chuyện giao tiếp hằng ngày vì đó là chìa khóa để đứa con của bạn thể hiện bản thân với thế giới bên ngoài. So với những “nickname” dễ thương kia, tên thật của trẻ sẽ giúp trẻ dần nhận thức được giá trị của bản thân đối với cuộc sống này.
3. “Bạn của con (hoặc con nhà hàng xóm) đã làm tốt việc này hơn con”
Đương nhiên là bạn hoàn toàn có ý định tốt khi những lời này với con mình nhưng dần dần dần, những câu nói so sánh ấy sẽ làm trẻ hình thành sự ganh ghét với người chúng bị đem ra so sánh. Một đứa trẻ mạnh mẽ không bao giờ thích mình bị so sánh với người khác. Bạn cứ nghĩ một điều đơn giản rằng nếu bạn không muốn mình bị so sánh với một người nào khác thì đứa trẻ của bạn cũng vậy.
4. “Nếu con làm điều đó thêm một lần, bố (mẹ) sẽ không yêu con nữa”
Một cụm từ tương tự với câu nói trên là “Bố (mẹ) sẽ chỉ yêu con nếu con…(làm điều gì đó). Kiểu nói chuyện này có thể sẽ khiến trẻ áp lực và lo lắng tìm nhiều cách để có được tình yêu của bố mẹ chúng và luôn “gồng mình” để không mắc phải sai lầm. Chúng luôn phải suy nghĩ xem bố mẹ chúng muốn điều gì mà quên mất mong muốn của chính bản thân mình. Điều đó không hề phù hợp với tuổi thơ của chúng.
5. “Đừng làm bố (mẹ) xấu hổ vì con”
Những đứa trẻ thường xuyên nghe thấy cụm từ “bố (mẹ) xấu hổ vì con” sẽ hình thành mong muốn chứng minh cho người tác thấy những điều tích cực của bản thân chúng. Chúng liên tục có những hành động khiến người khác chú ý đến mình và tìm cách đối phó khi lỡ làm sai một việc gì đó. Lâu dần, chúng cảm thấy mình không hề có sự lựa chọn trong cuộc sống. Tất cả những gì chúng phải làm là khiến bố mẹ không phải xấu hổ vì mình hoặc chúng chỉ quẩn quanh với suy nghĩ mình là một người luôn khiến cha mẹ phải hổ thẹn. Nếu không để ý, bạn có thể làm sâu thêm vết thương lòng của con mình.
KHẢ NHƯ (Theo Brightside)