Chia sẻ với BuzzFeed, Tina Mohandas kể lại tai nạn kinh hoàng và lý do cô không bao giờ để ai đó tự lái xe về khi say rượu.
Mùi khói thuốc lẫn với mùi nước tiểu thấm đượm không khí. Phía trước, hàng loạt thanh niên nôn ọe. Trên đường trở về nhà, thêm lần nữa, tôi nguyền rủa cái sự thật rằng căn hộ của mình nằm ngay cạnh hộp đêm.
"Này người anh em, tất nhiên tôi có thể lái xe về nhà". Tôi vô tình nghe được câu chuyện. "Tôi mới uống 4 ly thôi mà".
Một chàng trai cao lớn khoảng 20 tuổi lảo đảo bước đi giữa hai người bạn. Sắc vàng lóe lên từ chiếc thắt lưng hàng hiệu và bông tai kim cương bên tai trái. Bạn cậu ta nhún vai rồi đưa lại chìa khóa xe. Điều này khiến tôi sôi máu.
Tôi tiến lại gần. "Cậu sẽ phải đi taxi về", tôi mở ứng dụng tìm taxi trên điện thoại. "Xe nào cơ?", cậu trai hỏi, mùi whisky như tát vào mặt người đối diện. "Tôi chỉ sống cách đây 5 phút thôi".
Và tôi nhớ lại câu chuyện của mình.
Năm 16 tuổi, tôi là một đứa trẻ nổi loạn kỳ quái. Tôi chìm đắm vào sách vở, ưa sự yên tĩnh và tỏ ra đầy thách thức. Đến mức buổi sáng nọ, giáo viên chủ nhiệm gọi tôi ra để yêu cầu "đừng sắm vai kẻ cô độc nữa".
Giải thích mình không muốn bị người khác chú ý, tôi trầm ngâm nhăn nhó rồi cùng Debbie trốn vào "góc bí mật" sau giờ học.
"Này", cô bạn phả một làn khói. "Đừng trông giống kẻ thất bại như vậy. Hãy đến bữa tiệc đi".
"Nhưng..."
"Ôi trời ơi", cậu bạn Rohan rền rĩ. "Đó là tiệc sinh nhật của Sagar đấy".
Liệu tôi có quan tâm đến việc làm thất vọng một người chẳng có điểm gì chung không? Một thằng nhóc ăn hiếp học sinh không phải người bản xứ và sử dụng địa vị chính trị gia đình hòng đe dọa nhân viên nhà trường? Tất nhiên là không rồi. Nhưng rồi, áp lực thật tồi tệ.
"Thôi được", tôi miễn cưỡng gật đầu. "Tôi sẽ đến".
Đêm hôm đó, chúng tôi được đón chào bằng âm nhạc và pizza tại hộp đêm đắt đỏ nhất thành phố. Chúng tôi uống rượu, nhảy nhót, gào thét. Dù không bị đặt giờ giới nghiêm, tôi vẫn muốn về sớm với bố.
"Tôi về nhà đây", tôi hét lên lúc 22h30.
"Gọi xe đi", chủ bữa tiệc nói.
"Chỉ 5 phút thôi, tôi đi bộ được".
Nhận thấy tình trạng say xỉn của tôi, đàn anh khóa trên đề nghị đưa tôi về. Tôi bước lên mô tô của anh bởi biết rõ người này không hề uống rượu. Thế nhưng, ngay trước khi xe khởi động, Sagar chạy ra ngoài và xô đẩy anh chàng kia. "Tôi sẽ đưa cô ấy về nhà", cậu ta la lối.
Trái tim thoáng chút lo lắng. Nhưng tôi vẫn ngồi trên xe, tự nhủ chỉ 5 phút thôi, chuyện gì có thể xảy ra chứ?
Máu là thứ đầu tiên tôi có thể nhớ.
Dòng chất lỏng màu đỏ, nóng, dính. Nó làm mờ đôi mắt tôi, bóp nghẹt cổ họng và chảy xuống chân, tay, mặt. Tôi cố gắng mở miệng nhưng vô ích. Tôi không thể cử động cằm hay mở mắt phải.
"Giữ chặt cô ấy", một chất giọng xa lạ vang lên. Những bàn tay chai sạn đẩy phần mặt bên trái của tôi về phía tấm bảng kim loại lạnh ngắt. Tôi muốn rít lên nhưng chỉ phát ra âm thanh khe khẽ.
Đặt băng gạc lên mắt phải tôi, người xa lạ kia cảnh báo: "Có thể sẽ nhói một chút đấy". Tưởng chừng bị tạt axit, tôi gào toáng rồi cứng đờ lại. Tôi nghe thấy tiếng cha, chỉ một từ của ông cũng xoa dịu mọi nỗi đau. Ký ức bắt đầu tràn về tựa như chiếc đĩa CD trật nhịp.
"Sagar", tôi nhớ lại âm thanh sợ hãi của chính mình. "Sagar, chậm lại, làm ơn đi". Cú va chạm xảy ra, tay tôi đập xuống đường.
"Cẩn thận!", một phụ nữ hét lớn.
"Máu của cô ấy dây ra hết túi máy tính của tôi rồi", người đàn ông tôi không thể nhận ra hoảng hốt.
"Chúng ta phải đưa cô ấy đến bệnh viện!"
Họ là ai? Họ đang nói gì thế? Miệng tôi như đầy thạch. Mà không, đó không phải thạch. Tôi biết cái vị này nhưng nó là gì thế? Tôi chắc chắn không thể về kịp giờ giới nghiêm. Bố tôi sẽ phát điên mất.
Tôi cầu xin hai vị khách qua đường: "Làm ơn đưa tôi về nhà. Bố sẽ không biết nếu tôi lẻn vào đâu".
Tôi cố gắng nâng chân lên nhưng thất bại. "Chỗ bong gân sẽ khá hơn vào ngày mai", tôi thì thào. "Chỗ bong gân nào cơ?", người phụ nữ nhìn tôi với đôi mắt đầy nước.
"Tôi bị ngã xe", tôi tiếp tục. Sự va chạm này, nó hẳn là một cú ngã.
Tôi cố gắng cử động mắt cá chân. Nhưng nó không nhúc nhích. Vì sao vậy? Tại sao tôi không cảm thấy gì ở chân?
Đến đây, cảnh vật nhòe đi.
"Một cục máu đông", giọng nói uy quyền cất lên. "Chúng tôi cần xử lý trước khi nó chạy đến tim cô ấy".
Mắt phải bị băng khiến mắt trái tôi đau đớn trước ánh sáng chói chang. Bóng hình mảnh khảnh đứng cạnh tỏa mùi hương như hoa và mực in chính là người phụ nữ đã cứu tôi. "Tôi vừa gọi cha cô", bà nhỏ nhẹ. "Ông ấy tới đây rồi".
Nếu tôi không chết, bố mẹ hẳn sẽ muốn giết tôi. "Thuốc lá", tôi thều thào trong tuyệt vọng. "Làm ơn, giấu bao thuốc lá của tôi đi". Nằm trên bàn mổ và tiếp tục chảy máu, tất cả những gì tôi lo lắng lại là thuốc lá cùng giờ giới nghiêm.
"Giữ sức khỏe nhé. Tôi sẽ lại đến thăm", người phụ nữ nhắn nhủ rồi hôn nhẹ má tôi. Thế nhưng, tôi không bao giờ gặp bà ấy nữa.
Bác sĩ giải thích tôi bị liệt cột sống. Tôi còn bị bỏng ở tay trái, trầy xước dọc hai cánh tay, đau nhức xương sườn khi ho hoặc hít vào, cơ thể toàn vết cắt còn đầu đầy những mảng máu khô.
Trao đổi toàn điều khó hiểu, nhân viên y tế tiến hành kiểm tra chấn thương bên trong. Họ hỏi tôi có cảm thấy buồn nôn, còn nhớ tên mình và thở được không.
"Bố ơi?", tôi yếu ớt gọi. "Con xin lỗi". Bác sĩ đưa tôi từ phòng cấp cứu đến phòng mổ và nói đại loại: "Cô bé có thể không vượt qua" với bố tôi.
Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình giỏi nhất đất nước chẳng làm được gì. Cơ thể tôi bị thương nặng đến mức không cho phép can thiệp phần chân. Tôi cần nằm lại phòng chăm sóc đặc biệt tới lúc các vết thương nội tạng cùng khối máu tụ được giải quyết.
Đôi mắt cha tôi đầy nước mắt. Chúng tôi như ngầm hiểu rằng tôi sẽ không sống sót qua đêm ấy. Ít phút sau, mẹ tôi tới phòng bệnh chỉ để nhìn đứa con đầy thương tích. Thật xấu hổ và đau đớn. 5 phút, tôi muốn thú nhận với họ rằng đó chỉ là 5 phút thôi.
Xem thêm: http://vnexpress.net/projects/cau-chuyen-khien-ban-khong-bao-gio-muon-lai-xe-khi-say-ruou-3544524/index.html