Câu chuyện về 5 con khỉ và nải chuối ẩn chứa bài học sâu sắc về tư duy làm việc, mối quan hệ đồng nghiệp và tinh thần tương trợ nhau cùng phát triển trong sự nghiệp và cuộc sống
Chuyện kể rằng có 5 con khỉ bị nhốt trong phòng. Giữa phòng có một cái thang và 1 nải chuối đặt trên đỉnh thang. Mỗi khi có một con khỉ muốn trèo lên thang lấy chuối, người ta phun nước lạnh vào những con còn lại làm chúng khó chịu, khổ sở.
Sau một thời gian như vậy, những con bị phun nước tự động hợp sức ngăn cản con khỉ muốn lấy chuối leo lên thang vì chúng không muốn bị phun nước lạnh. Thậm chí, chúng còn tóm lấy con khỉ trèo thang rồi đánh cho một trận.
Lâu dần, không còn con khỉ nào trong số đó có ý định trèo lên thang nữa. Người ta bắt 1 con ra ngoài để thay thế con khác. Nhìn thấy nải chuối và cái thang, con khỉ mới thắc mắc không hiểu tại sao các con kia không trèo và thử leo lên. Tất nhiên bốn con kia xông vào đánh cho một trận. Con khỉ mới không hiểu vì sao bị đánh, tuy nhiên không dám trèo nữa.
Rồi một con nữa trong số 5 con đầu được thay thế. Chú lính mới lại định trèo và bị cả hội đánh tới tấp. Con khỉ vừa vào trước đó cũng tham gia đánh, đơn giản vì thấy bọn kia làm vậy, còn bản thân vẫn không hiểu vì lí do gì.
Lần lượt 5 chú khỉ ban đầu được thay ra hết.
Bây giờ, 5 con khỉ mới ở trong phòng. Không có con nào từng bị dội nước. Nhưng cũng không con nào dám trèo lên thang. Và cả 5 sẵn sàng đánh nhừ tử bất kỳ con nào khác có ý định đó, mà không hiểu vì lí do gì.
Có vẻ như trong trường hợp này, một thói quen mới đã được hình thành và cả 5 con khỉ đều tiếp nhận thói quen này như một điều mặc định. Dường như những chú khỉ - tức đối tượng "tiếp nhận" chỉ là người "kế thừa" và chấp nhận sự việc theo kiểu "nó phải như thế".
Sự khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo thực thụ sẽ khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tiến lên hoặc thụt lùi
Cuộc sống thực tế cũng có không ít người giống như những chú khỉ này. Khi gặp thất bại hoặc khó khăn, dạng người này thường có xu hướng từ bỏ và suy nghĩ mặc định rằng có làm nữa cũng sẽ gặp thất bại nên họ rất dễ bỏ cuộc.
Không những thế, câu chuyện còn cho thấy một thực tế khác trong đa số môi trường làm việc hiện nay. Mặc dù các nhà quản lý luôn hô hào cổ vũ về tinh thần năng động, sáng tạo, hợp tác để đưa ra những ý kiến hay, mới lạ nhưng khi nhân viên cố gắng làm điều mới mẻ thì lập tức họ bị dội những gáo “nước lạnh”. Thậm chí, có nhiều nhân viên còn bị trù dập.
Thay vì 5 chú khỉ cùng nhau hiệp lực xô ngã cái thang hoặc cùng giúp sức cho chú khỉ còn lại dễ dàng leo lên thang để lấy được nải chuối, chia đều cho tất cả thì chúng lại tìm cách ngăn cản đồng đội vì nỗi sợ cá nhân. Cuối cùng, chúng luôn sống trong nổi sợ hãi và không được quả chuối nào.
Bạn có dám trở thành người khác biệt, đưa ta những ý tưởng tích cực?
Điều này tạo thành một thói quen xấu, khiến ngay cả những nhân viên sau này dù không bị "dội nước lạnh" nhưng họ vẫn sợ hãi, chấp nhận thực tế và ngại thay đổi vì nghĩ rằng mọi chuyện cũng không thể tốt hơn được.
Đôi khi có một ý kiến, lời phát biểu hay đề xuất mang tính khác biệt thì bị quản lý bác bỏ, vùi dập vì sợ người khác hơn mình, vì tâm lý “nhân viên không được làm trái lời sếp”. Như vậy, vô hình chung họ biến tập thể trở thành một cỗ máy thụ động, ngại thay đổi và không thích ứng kịp thời với tốc độ phát triển mới của môi trường cạnh tranh.
Mặc dù vậy, trên một con thuyền, nếu nhân viên cứ muốn qua mặt sếp, thích thể hiện bản thân một cách thái quá trong khi khả năng có hạn, cố "chèo" ngược để cho "khác biệt" khiến con thuyền đi chậm lại hoặc chệch hướng thì việc bị đào thải là điều tất yếu. Phàm những người thấp kém càng "khoe mẽ" càng thể hiện sự kém cỏi của mình bởi thường để lộ những "kẻ hở" mà ai cũng có thể "bắt bài".
Bạn nên nhớ, nếu đủ tài giỏi, bạn đã là người lèo lái con thuyền chứ không phải chỉ là người cầm mái chèo. Ý thức được mình đang ở đâu, ngừng "ảo tưởng" về bản thân và sáng tạo như thế nào để người khác công nhận, khi đó bạn mới là một nhân viên tiềm năng. Ngược lại, thùng rỗng kêu to, việc gì cũng hô hào nhưng vào việc lại lười biếng, ngại khó thì mãi mãi bạn cũng không thể nào leo lên được bậc thang nào dù chả ai buồn dội nước lạnh vào bạn.
Như vậy, 5 chú khỉ kia là điển hình của những người khi rơi vào tình trạng khó khăn không đủ bản lĩnh vượt qua thử thách để thay đổi, lấy nải chuối xuống chia cho đồng đội và suy nghĩ hẹp hòi vì sợ con khác lấy được nải chuối trong khi mình chịu bị tạt nước. Việc người sếp dội nước lạnh đơn giản vì muốn kích thích tinh thần cạnh tranh của từng cá thể, thử thách khả năng vượt khó của nhân viên. Ở mỗi vị thế, mỗi con người sẽ có suy nghĩ khác nhau. Người bản lĩnh nhìn khó khăn như là một thử thách để vượt qua và tiến bộ, kẻ hèn mọn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh "bị tạt nước" để tháo lui và tiếp tục "sống ảo" trong khi người sếp chỉ nhìn tổng thể diễn biến của một quá trình chứ không tập trung vào bất kỳ cá nhân nào.
Chọn cách sống thế nào là tùy ở bạn, nhưng giá trị chỉ đến khi bạn tỉnh táo trong mọi vấn đề, có thực lực và tài năng. Hãy chắc rằng bạn không phải là một trong 5 chú khỉ trong câu chuyện nhé!
KHÁNH HÒA (Tin8, ảnh minh họa: Internet)