Một khi muốn bỏ thuốc bạn phải luôn nhớ những động lực bỏ thuốc - Ảnh minh họa: Internet
Anh Đông (Biên Hòa, Đồng Nai) là một nhân viên văn phòng. Anh bị nghiện thuốc lá nặng từ nhiều năm nay. Một ngày anh đốt hết không dưới 1 gói thuốc lá. Biết thuốc lá có hại nhưng anh không để tâm lắm và một phần vì thuốc lá khó cai nên anh vẫn hút đều đều.
Cho đến khi lập gia đình, có hai đứa con nhỏ, anh Đông mới nhận ra mình cần phải quyết tâm bỏ thuốc lá để trở thành một ông bố tốt. Sau một thời gian cai thuốc, anh Đông đã thành công và nhận ra cai thuốc không khó như trước đó anh luôn nghĩ. Anh đã rút ra kinh nghiệm “xương máu” và chia sẻ lại cho những ai muốn cai thuốc giống như anh.
Đặt ra kế hoạch giảm dần đều số lượng thuốc hút mỗi ngày cho đến khi chấm dứt hoàn toàn để cơ thể thích nghi dần dần là nguyên tắc quan trọng nhất với người cai thuốc lá.
1. Luôn ghi nhớ những động lực bỏ thuốc
Hút thuốc lá gây thiệt hại kinh tế. Đây là điều không thể phủ nhận. Trung bình một ngày người nghiện thuốc hút từ 1-2 bao thuốc, mức giá trung bình của thuốc lá trên thị trường hiện nay là khoảng 25.000 đồng/bao. Như vậy, mỗi ngày người nghiện thuốc đã tiêu tốn đến 50.000 đồng, và “tổn thất” mỗi tháng là 1,5 triệu đồng cho việc hút thuốc. Đối với gia đình anh Đông, hai vợ chồng anh là nhân viên văn phòng và còn có hai con nhỏ thì đây là một khoản tiền không hề nhỏ.
Bản thân anh Đông cũng hạ quyết tâm bỏ thuốc để tránh gặp chuyện hối hận không kịp như anh bạn đồng nghiệp - Ảnh minh họa: Internet
Hút thuốc lá gây viêm phổi nặng cho con nhỏ. Anh Đông chia sẻ, trong công ty anh có một đồng nghiệp nam cũng nghiện thuốc lá. Anh ấy vô tâm hút thuốc ngay trong nhà và khiến hai đứa con nhỏ bị viêm phổi nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Đến khi nghe chuyện của đồng nghiệp, anh Đông mới hối hận, quyết tâm bỏ hẳn thuốc. Chính vì vậy mà bản thân anh Đông cũng hạ quyết tâm bỏ thuốc để tránh gặp chuyện hối hận không kịp như anh bạn đồng nghiệp.
Còn với riêng bản thân anh Đông, do làm việc trong một tòa nhà cao tầng nên mỗi lần muốn hút thuốc, anh phải chạy xuống tầng một. Nhiều lần như vậy thật sự rất bất tiện. Sau này, khi đã cai thuốc thành công, anh Đông cảm thấy tiện hơn cho công việc rất nhiều vì không phải chạy lên chạy xuống hút thuốc lá nữa.
2. Lên kế hoạch “giảm dần đều” lượng thuốc hút mỗi ngày
Nhiều đàn ông sau khi xác định rõ ràng mục tiêu bỏ thuốc lá, đã cắt “phụp” ngay việc hút thuốc lá. Thế nhưng việc làm nóng vội đó chỉ khiến kế hoạch cai thuốc lá bị thất bại nhanh nhất. Thậm chí khi “tái nghiện”, lượng thuốc hút trở lại còn nhiều hơn trước.
Sở dĩ có điều này là vì việc dừng hút thuốc một cách đột ngột sẽ khiến cơ thể khó thích nghi và có nhu cầu hút thuốc để cân bằng trong thời gian nhanh nhất. Anh Đông chia sẻ kinh nghiệm rằng, khi vừa có ý định bỏ thuốc thì đừng vội ép mình vào khuôn khổ "nói không với thuốc lá".
Các bố nên lên cho mình một kế hoạch bỏ thuốc giảm dần dần số lượng - Ảnh minh họa: Internet
Ngược lại, các bố nên lên cho mình một kế hoạch bỏ thuốc bằng cách giảm dần dần số lượng. Cụ thể, những ngày đầu tiên, thay vì hút 10-15 điếu như bình thường thì giảm xuống còn khoảng 8-12 điếu. Sau đó, tùy theo tình hình mà tiếp tục giảm chỉ tiêu xuống chỉ hút 5 điếu mỗi ngày, rồi 3 điếu, 1 điếu mỗi ngày cho đến khi không còn cảm giác thèm thuốc và không còn thói quen hút thuốc. Có như vậy, các cơn thèm thuốc mới có thời gian giảm dần và tự điều chỉnh phù hợp với sức đề kháng của cơ thể.
Thực ra bản thân việc hút giảm dần lượng thuốc mỗi ngày không hề đơn giản. Cảm giác thiếu thốn có khi khó chịu hơn không đụng vào điếu thuốc nào. Những lúc này, để kiềm chế cơn thèm, các ông bố có thể lấy các loại kẹo cao su có chất nicotine, kẹo cao su có vị bạc hà để đánh lạc hướng cảm giác thèm thuốc của mình.
3. Hạn chế tối đa tiệc tùng, nhậu nhẹt
Thông thường các cuộc nhậu nhẹt rượu chè, tiệc tùng thường có đi kèm với thuốc lá. Thậm chí khi nhậu các chiến hữu còn có xu hướng hút thuốc với cường độ cao hơn bình thường. Chính vì vậy mà việc tham gia vào các cuộc vui này khiến bạn khó lòng cưỡng lại được cảm giác thèm thuốc và cuối cùng thường tặc lưỡi "hút nốt lần này rồi thôi".
Muốn cai thuốc, bạn phải hạn chế tối đa việc nhậu nhẹt, tiệc tùng - Ảnh: Internet
Nhưng thực tế, việc hút nốt này có thể sẽ lại nhẹ nhàng đưa các bố quay trở lại với tình trạng nghiện thuốc lá ban đầu. Vì vậy, hãy cân nhắc hạn chế tham gia các bữa ăn uống như thế này.
4. Tránh thức đêm thường xuyên
Làm việc đêm khuya khiến các ông bố thiếu tỉnh táo và có xu hướng uống cà phê rồi… hút vài điếu thuốc để kích thích thần kinh. Anh Đông cũng không phải ngoại lệ, anh từng đốt hết một bao thuốc chỉ sau một đêm thức làm việc.
Làm việc đêm khuya khiến các ông bố thiếu tỉnh táo và có xu hướng uống cà phê rồi… hút vài điếu thuốc để kích thích thần kinh - Ảnh: Internet
Anh Đông chia sẻ, nếu không có công việc phải làm gấp trong đêm thì tốt nhất nên tránh tối đa việc thức đêm. Đang trong giai đoạn giảm dần lượng thuốc hút, tốt hơn hết, hãy duy trì việc ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ. Thời gian ngủ đó cũng chính là một liệu pháp hỗ trợ hiệu quả và giúp làm giảm đi các cơn thèm thuốc.
5. Có được sự ủng hộ và hợp tác của vợ, con
Sự ủng hộ và hợp tác của vợ con có vai trò rất quan trọng trong quá trình cai thuốc lá của anh Đông. Để giúp bố, mẹ bày cho các con làm các tờ rơi ghi chữ "No smoking" dán khắp nơi trong nhà. Hễ học xong bài hay đi học về đến nhà là chúng sà vào quấn quít lấy bố, có các cử chỉ âu yếm, nũng nịu với bố, nhất quyết không rời bố lấy nửa bước. Vì thế, nếu thèm thuốc, anh Đông cũng không có thời gian để đốt thuốc lá.
Sự ủng hộ và hợp tác của vợ con có vai trò rất quan trọng trong quá trình cai thuốc lá - Ảnh minh họa: internet
Bên cạnh đó, vợ anh Đông cũng nghiên cứu về chế độ ăn uống cho người cai nghiện thuốc lá, thường xuyên nấu các bữa cơm giàu chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và làm nước hoa quả giàu vitamin C giúp anh giảm cảm giác nhạt miệng, thèm thuốc. Sau này, khi đã bỏ hẳn thuốc lá rồi, anh Đông tâm sự, việc anh cai thuốc thành công được là nhờ vợ con cả. “Không có họ, sẽ chẳng thể cai thuốc được đâu".
BÌNH AN (Tin8)