1. Đồ dùng văn phòng
Bạn không nên để kéo, kẹp giấy, ghim cũng như các đồ dùng văn phòng khác gần tầm tay trẻ em, vì chúng có thể gây ra những tai nạn chết người không thể lường trước được. Trẻ em có thể bị trầy xước, nuốt ghim kẹp hoặc làm bị thương mắt mình.
2. Dao kéo
Bạn tuyệt đối không được để dao, kéo, nĩa hoặc các vật sắc nhọn trên bàn, trong tầm tay trẻ em vì rất có thể trẻ sẽ tìm cách leo lên, đặc biệt là khi bạn đang bận rộn hoặc đang vội vã nghe điện thoại.
3. Đồ trang điểm và trang sức
Trẻ em rất có thể sẽ bẻ gãy son môi, phá hỏng hộp phấn hay làm vỡ chai nước hoa đắt tiền của bạn. Nguy hiểm hơn, hóa chất trong đó có thể xâm nhập và gây nguy hiểm cho trẻ.
4. Thuốc men
Bạn không nên để bất kỳ loại thuốc nào bừa bãi, cho dù là thuốc kháng sinh, thuốc bổ hay vitamin, vì chúng rất nguy hiểm với trẻ em. Tốt hơn hết, bạn nên bỏ chúng vào hộp thuốc và khóa kỹ lại. Trẻ em đôi khi sẽ không phân biệt được thuốc với kẹo và chúng rất dễ nuốt phải chúng. Nếu trẻ nhỏ nuốt phải bất kỳ loại thuốc gì, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện.
5. Rượu, bia, thuốc lá
Rượu, bia, thuốc lá thường được để bừa bãi trong nhà, trong khi đó những chất này đều rất độc hại với trẻ. Bạn nên để chúng xa tầm tay trẻ em, cất chúng trong tủ và khóa cẩn thận.
6. Chất đốt
Que diêm, bật lửa, hương nhang… nên được cất giữ tránh xa trẻ. Hóa chất trong chúng không an toàn cho trẻ. Không những vậy, trẻ còn rất dễ bị bỏng nếu chẳng may nghịch phải chúng.
7. Thuốc đuổi muỗi
Những loại thuốc diệt côn trùng rất độc hại và nguy hiểm. Chúng có thể giết được côn trùng thì cũng có thể gây tổn thương lên làn da và biểu bì mỏng manh của bé. Vì thế, bạn nên cất những loại thuốc này một cách cẩn thận.
8. Đồ dùng nghệ thuật
Nếu bạn có sở thích hoặc làm những nghề nghiệp như vẽ, đắp tượng… thì đồ dùng cho chúng cũng không phải đồ chơi của trẻ. Những vật nhọn có thể làm trẻ bị thương và trẻ có thể đưa màu vẽ vào miệng nuốt, như vậy rất nguy hiểm.
PHAN AN (Tin8)