Kỹ năng phân biệt thông tin giả mạo và thông tin chính thống rất cần thiết cho nhiều người trong bối cảnh bùng nổ thông tin mạng xã hội như hiện nay
Chuyên gia truyền thông Melissa Zimdars cho rằng “Ngay cả những người rất thường xuyên lên mạng đọc tin tức vẫn không thể miễn dịch được với các loại tin tức giả mạo”. Đây là 7 cách để bạn nâng cao kỹ năng kiểm chứng thông tin của mình:
1. Tin tức đó có xuất hiện trên trang web lạ hay không?
Những trang web lạ này có thể chứa đuôi “.su”; “.ai”…hoặc bất kỳ cái "đuôi" khác thường nào đó thường đưa những thông tin không chính thống. Vì vậy, bạn hãy cảnh giác với những đường dẫn kiểu này.
2. Tít bài có khớp với nội dung thông tin trong bài báo không?
Nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng lý do lớn nhất khiến tin tức giả mạo lan truyền nhanh trên mạng xã hội là do người đọc thường bị cuốn vào nội dung tiêu đề mà không quan tâm xem thực chất nội dung đi kèm với tiêu đề đó có liên quan, trùng khớp với tiêu đề không.
3. Thông tin đó mới xảy ra gần đây hay là thông tin cũ được sử dụng lại với mục đích khác?
Nhiều khi thông tin thật đã bị chỉnh sửa và “đào mộ” lại để làm chất liệu cho nội dung mới phục vụ cho mục đích của người viết.
4. Các video và hình ảnh bổ trợ cho thông tin trong bài có thể kiểm chứng được không?
Chuyện lấy hình minh họa cho những thông tin trong bài không còn hiếm thấy nữa. Khi nhận thấy những bức ảnh trong bài viết trông có vẻ “quen quen” thì bạn hãy cảnh giác, kiểm chứng lại thông tin mình vừa đọc xem nó được viết ra từ cơ sở sự kiện nào.
5. Bài báo có trích dẫn nguồn tin ban đầu không?
Nếu trong bài viết có những thông tin mang tính xác thực nhưng lại không được tác giả cho biết nguồn tin thì đó là điều khó hiểu. Điển hình nhất là gần đây, có những trang tin cho rằng hãng nước Coca-Cola đã thu hồi những chai nước lọc Dasani sau khi phát hiện ký sinh trùng trong suốt có trong nước.
Trang này thậm chí còn đăng kèm bản tin một bức ảnh chụp một sinh vật được cho là con ký sinh trùng đó. Tất nhiên những bài báo kiểu như thế này chẳng bao giờ nêu được thông tin về các thông báo hay tuyên bố gì của những đơn vị liên quan tới thông tin mà họ phát tán.
Ngay cả những người thường xuyên lên mạng cũng có thể bị lầm với tin giả mạo
6. Liệu có truy lại được những câu trích dẫn trong bài báo không?
Với dạng tin tức này, bạn dễ dàng phanh phui nếu dành một chút thời gian kiểm tra lại. Trang People.com có các kho dữ liệu lưu trữ lớn và bạn có thể tìm kiếm rất nhiều phát ngôn của những người nổi tiếng trong đó.
7. Đó có phải trang tin duy nhất phát đi thông tin này không?
Trong mùa bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, giáo hoàng Francis bị những kẻ tung tin giả trong ba câu chuyện hoàn toàn bịa đặt. Họ nói Giáo hoàng ủng hộ 3 ứng cử viên tổng thống Mỹ. Đầu tiên trang National Report nói ông ủng hộ Bernie Sanders, tiếp đó trang WTOE 5 News nói ông ủng hộ tỉ phú Donald Trump, sau cùng trang KYPO6 nói ông ủng hộ bà Hillary Clinton.
Trong những trường hợp như thế này, bạn nên tìm kiếm thêm các nguồn tin chính thống khác để xem nó có nói gì về việc đó không. Còn nếu xoay qua xoay lại mà chẳng thấy ai ngoài cái trang tin đó thì đương nhiên phải đặt dấu chấm hỏi về chuyện bịa đặt.
KHAI TÂM (Tin8, theo TTO)