Đấu vật thể hiện sức mạnh cũng như mưu trí của người chơi - Ảnh: Internet
1. Đấu vật
Thời xưa, đấu vật là môn thể thao khuyến khích tài năng cũng như sự rèn luyện của trai tráng. Những người chiến thắng sẽ được trao giải bằng tiền, mâm đồng, nồi đồng… Ngày nay, trò chơi đấu vật không thể thiếu trong mỗi dịp Tết hoặc các lễ hội nổi tiếng trong năm trên cả nước.
Người chiến thắng trong cuộc đấu là phải vật được đối phương ngã ngửa ra đất hoặc nhấc bổng đối phương lên. Về kĩ thuật, đấu vật thường sử dụng các “miếng” đánh như đệm, ghì, bốc… để hạ gục đối phương. Môn vật này ngoài sức khỏe thì mưu trí, sự nhanh nhẹn cũng góp phần vào chiến thắng của người chơi.
2. Kéo co
Kéo co là trò chơi thể hiện tính đồng đội cao - Ảnh: Internet
Trò chơi kéo co là trò chơi dân gian thu hút nhiều người cùng tham gia. Cũng giống trò đấu vật, kéo co có tác dụng rèn luyện sức khỏe. Bên cạnh đó, trò chơi cũng giúp mọi người vui vẻ, thoái mái và tăng thêm tinh thần đồng đội.
Cách chơi trò kéo co khá đơn giản. Số người chơi bao nhiêu tùy ý (thường là từ 10-15 người) và được chia làm 2 phe bằng nhau. Trò chơi lấy mốc đánh dấu ở giữa mỗi phe. Nếu đội nào kéo đối phương qua vạch vôi trước là chiến thắng.
3. Chơi cờ người
Cờ người được chơi giống như cờ tướng - Ảnh: Internet
Đây là trò chơi mang tính chất đấu trí cao. Cờ người được chơi như cờ tướng nhưng quân cờ là người thật và được chơi trên sân bãi rộng. Mỗi ván cờ gồm 16 nam áo đỏ, 16 nữ mặc áo đen, đeo tên quân cờ trước ngực. Hai tướng (gọi là Tướng Ông, Tướng Bà) mặc đẹp có 2 cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng, được che lọng.
Hai người chơi ngồi phía sau và điều khiển trận cờ người. Mỗi lần đi nước nào thì đấu thủ sẽ gõ một tiếng. Cũng giống cờ tướng, cờ người phải tuân thủ nguyên tắc đi quân và sau mỗi nước đi, người chơi phải bình tĩnh, suy tính các bước sau.
4. Đập niêu đất
Đập niêu đất là trò chơi giân gian phổ biến nhiều ở miền Bắc - Ảnh: Itnernet
Đập niêu đất là trò chơi giân gian phổ biến nhiều ở miền Bắc. Trò chơi này thường diễn ra ở trên một sân rộng. Trước khi chơi, người ta sẽ trồng ở giữa sân 2 chiếc cột cách nhau 5m, buộc dây thừng nối 2 thân cột để làm giá treo niêu. Theo quy định chuẩn của trò chơi, vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3-5m.
Người chơi được trọng tài trao một chiếc gậy dài 50cm, bịt mắt và đứng ngay ngắn ở vạch mốc. Khi có tín hiệu của trọng tài, người chơi sẽ phải định hình hướng đi và ước lượng khoảng cách đến niêu để làm sao đập trúng được một trong những số niêu được treo trên dây.
5. Đi cà kheo
Đi cà kheo là trò chơi dân gian không thể thiếu trong mỗi dịp xuân về - Ảnh: Internet
Đây là trò chơi phải đòi hỏi người chơi giữ được thế cân bằng. Muốn đi được cà kheo, người chơi phải có bước đi chính xác, sức khỏe tốt và phối hợp nhịp nhàng cả chân và tay. Tuy nhiên, để làm chủ được đôi cà kheo, người chơi còn phải dành thời gian để luyện tập trước đó.
Đi cà kheo là một trong những trò chơi dân gian không thể thiếu trong dịp Tết ở các vùng quê Việt Nam. Đây là trò chơi thu hút nhiều người dân tham gia bởi sự hấp dẫn, bất ngờ và tạo ra được nhiều tiếng cười.
THIÊN LÝ (Tin8)