New York, Mỹ: Có hệ thống tàu điện ngầm lớn nhất thế giới với 469 nhà ga đang vận hành, 24 tuyến với tổng chiều dài 1.062 km. Hệ thống này hoạt động 24h/ngày.
Paris, Pháp: Hệ thống tàu điện ngầm ở đây có 16 tuyến tàu và 300 nhà ga trải khắp thành phố. Ngoài ra, mạng lưới tàu cao tốc cả trên mặt đất và trong lòng đất luôn sẵn sàng kết nối Paris tới tận những vùng ngoại ô xa xôi.
Berlin, Đức: Hệ thống phương tiện công cộng ở đây bao gồm hệ thống tàu hỏa nội đô U-bahn và S-bahn, các tuyến đường sắt khu vực, một hệ thống xe điện, một mạng lưới xe buýt và các dịch vụ tàu phà, trong đó vé 1 chiều tàu điện ngầm khoảng 3 USD.
Barcelona, Tây Ban Nha: Barcelona có hệ thống phương tiện công cộng toàn diện và đáng tin cậy gồm tàu điện ngầm, xe buýt, xe điện, tàu hỏa và xe kéo ở khắp mọi ngõ ngách của thành phố.
Prague, Cộng hòa Séc: Hệ thống phương tiện công cộng ở đây bao gồm tàu điện ngầm, tàu điện, xe buýt, cáp treo và phà. Prague cũng là nơi có số luợng lượt sử dụng phương tiện công cộng lớn nhất thế giới với 1,2 tỷ lượt người sử dụng mỗi năm và được xếp hạng rẻ nhất châu Âu. Ở đây, vé một chiều đi tàu điện ngầm chưa tới 1 USD.
Zurich, Thụy Sỹ: Hệ thống phương tiện công cộng ở thành phố có 400.000 dân này được xếp vào hàng tốt nhất thế giới với hệ thống xe lửa siêu hiện đại, sạch sẽ, an toàn và luôn đúng giờ.
Tokyo, Nhật Bản: Phương tiện công cộng tại Tokyo bao gồm tàu điện ngầm và tàu hỏa hiện đại, đứng thứ hai là xe buýt, xe điện, monorails. Hệ thống tàu điện ngầm của Tokyo là hệ thống bận rộn hàng đầu chỉ sau Bắc Kinh với 3,2 tỷ lượt khách mỗi năm.
London, Anh: Tàu điện ngầm ở đây là hệ thống lâu đời nhất trên thế giới, bên cạnh đó ở đây cũng có các phương tiện khác như xe buýt, xe điện, tàu hỏa và phà.
Seoul, Hàn Quốc: Seoul là một trong những nơi có cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại nhất thế giới. Với hơn 8 triệu lượt khách mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm Seoul là một trong những hệ thống vận hành bận rộn nhất thế giới.
Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập: Hệ thống tàu điện ngầm nơi đây hoạt động rất hiệu quả và giá cả khá hợp lý (vé một chiều chỉ 0,68 USD, khoảng 15 nghìn). Bên cạnh đó, thành phố giàu bậc nhất trên thế giới còn có hệ thống xe lửa hiện đại, không người lái, dựa trên sự điều hướng tự động.
Munich, Đức: Munich và các vùng lân cận có cả hệ thống phương tiện công cộng thuộc hàng đầu thế giới, bao gồm mạng lưới tàu điện ngầm U-bahn, mạng lưới xe lửa ngoại ô S-bahn, xe điện và xe buýt.
Đài Bắc, Đài Loan: Được sử dụng bởi 34% dân cư địa phương, hệ thống tàu điện ngầm của Đài Bắc gồm 5 tuyến và được chia theo 3 cách: màu sắc, số và tên của nhà ga. Ngoài ra, nơi đây còn có hệ thống điểm trung chuyển nhanh như cáp treo Maokong Gondola, các trung tâm ngầm phục vụ mua sắm, bãi đỗ xe và các quảng trường.
Budapest, Hungary: Budapest vận hành một trong những hệ thống phương tiện công cộng lớn nhất châu Âu, phục vụ cho toàn thành phố và 80 khu vực lân cận, bao gồm: 4 tuyến tàu điện ngầm, 5 tuyến xe lửa ngoại ô, 33 tuyến xe điện thành phố, 15 tuyến trolleybus, 264 tuyến buýt và 4 dịch vụ tàu thuyền.
Santiago, Chile: Santiago là thành phố có hệ thống phương tiện công cộng toàn diện và hiệu quả nhất ở Nam Mỹ. Tại đây, có 5 tuyến tàu điện ngầm đang hoạt động, phục vụ 2.400.000 hành khách mỗi ngày.
Stockholm, Thụy Điển: Hệ thống phương tiện công cộng nơi đây lại nổi bật bởi tính toàn diện, dễ sử dụng và đáng tin cậy. Hơn 90 trong số 100 nhà ga ở đây được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc, hội họa, chạm trổ, lắp đặt của 150 nghệ sỹ tài hoa.
Washington, Mỹ: Tàu điện ngầm Washington là hệ thống bận rộn thứ hai ở Mỹ chỉ sau New York. Năm 2010, ở đây có 37% người sử dụng phương tiện công cộng để đi lại và đây là con số lớn thứ 2 trên toàn quốc.
Bắc Kinh, Trung Quốc: Bắc Kinh có hệ thống phương tiện công cộng thuộc hàng lớn nhất và phức hợp trên thế giới với 18 tuyến, 334 nhà ga, số tuyến mà mạng lưới tàu điện ngầm Bắc Kinh đã vận tải đạt 3,41 tỷ năm 2014, được ghi nhận là hệ thống bận rộn nhất thế giới.
Sydney, Úc: Sydney là thành phố duy nhất trong danh sách này không có tàu điện ngầm, tuy nhiên hệ thống tàu điện ngầm của thành phố cũng đang thi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Hiện tại, ở Sydney việc di chuyển nhờ vào mạng lưới rộng lớn các phương tiện như tàu hỏa, xe buýt và phà.
Brussels, Bỉ: Các phương tiện trong nội thành đều sử dụng chung một loại vé vì vậy khách du lịch có thể đi xe buýt, tàu điện ngầm, xe điện hay kết hợp.
Montreal, Canada: Để di chuyển trong thành phố và ra các vùng phụ cận, người ta sử dụng các phương tiện công cộng như: xe buýt, tàu điện ngầm và tàu hỏa. Tàu điện ngầm ở Montreal là hệ thống bận rộn nhất Canada, trung bình phục vụ hơn 1 triệu khách/tuần.
St. Petersburg, Nga: Xe điện từng là phương tiện giao thông chính của thành phố nhưng ngày nay, người ta thích sử dụng tàu điện ngầm hơn. Đây được coi là một trong những hệ thống tàu điện ngầm thu hút và sang trọng nhất thế giới.
Thượng Hải, Trung Quốc: Thượng Hải có cả một hệ thống phương tiện công cộng với những tính năng ưu việt. Ngoài ra, Thượng Hải còn có số tuyến xe buýt nội thị thuộc hàng lớn nhất thế giới và cả hệ thống trolleybus (xe điện) lâu đời nhất.
Lisbon, Bồ Đào Nha: Ngày nay, hệ thống tàu điện ngầm Lisbon là phương tiện quan trọng nhất, kết nối trung tâm thành phố tới các vùng phía Đông và ngoại ô.
Jersey, Mỹ: Gần một nửa dân số Jersey (46,62%) sử dụng phương tiện công cộng khi di chuyển. Ở Jersey, bạn có thể đi xe buýt, tàu hỏa, và phà, những người dân nơi đây thậm chí sống mà không cần ô tô.
Marid, Tây Ban Nha: Ở đây có hệ thống tàu điện ngầm (dài thứ 2 châu Âu), tàu hỏa và xe buýt là những phương tiện di chuyển phổ biến.
DƯƠNG DƯƠNG (Tin8, Ảnh: Internet)