Mỗi ngày, các nhà khoa học lại làm thế giới ngạc nhiên khi tuyên bố các nghiên cứu về thiên nhiên, vũ trụ, con người. Tuy vậy, chúng ta vẫn không thôi xuýt xoa về những hiện tượng đó khi tận mắt chứng kiến bởi chúng quá kì diệu và lạ lùng.
Hiện tượng ngọn lửa Thánh St. Elmo
Ngọn lửa Thánh St. Elmo thường xuất hiện trong mưa dông
Ngọn lửa của Thánh St. Elmo ngày trước thường bị đánh đồng với sét hòn (một hiện tượng điện trong mưa dông tạo thành ánh chớp hình cầu). Thực tế, hiện tượng ngọn lửa Thánh St. Elmo từng là nỗi ám ảnh của các thủy thủ do chúng có khả năng vô hiệu hóa la bàn. St. Elmo là tên của một vị thánh được xem là thần hộ mệnh của thủy thủ. Hiện tượng đôi khi xuất hiện ở các tàu trên biển trong cơn dông, có ánh sáng màu xanh hoặc tím rực rỡ.
Thực ra, các nhà khoa học đã khẳng định rằng ngọn lửa Thánh St. Elmo là hiện tượng plasma phát sáng xuất hiện như đốm lửa trên các vật thể khác, sinh ra trong các cơn mưa dông hoặc vụ nổ núi lửa.
“Ngón tay tử thần” hay “cột băng chết chóc”
"Ngón tay tử thần" ở vùng băng tuyết
Hiện tượng này có tên gọi là brinicle. Khi băng hình thành tại Nam và Bắc cực, chúng không mặn như dòng nước tạo ra chúng bởi muối bị đẩy ra khi hình thành khối băng. Khi muối bị đẩy ra khỏi khối băng, nước xung quanh khu vực đó sẽ trở nên mặn hơn, làm giảm nhiệt độ đóng băng và tăng mật độ của nước. Mật độ nước cao khiến chúng bị chìm xuống đáy, xung quanh dòng nước mặn này sẽ đóng băng tạo nên hiện tượng “cột băng của cái chết” hay “ngón tay tử thần”.
Hiện tượng này làm chết nhiều sinh vật nhỏ
Tuy vậy, chúng chỉ ảnh hưởng đến các sinh vật nhỏ. Hiện tượng này chính thức được giải thích vào năm 2011 sau nhiều thập kỷ bị bỏ ngỏ từ năm 1960.
Quả cầu lửa Naga
Quả cầu lửa trên sông Mêkong
Nhiều người đến đoạn sông Mekong chảy qua tỉnh Nong Khai, Thái Lan hàng năm để chứng kiến một trong những hiện tượng bí ẩn được nhắc đến nhiều nhất: quả cầu lửa Naga.
Quả cầu lửa của rắn thần Naga là tổ hợp của nhiều yếu tố: sự tồn tại của hỗn hợp khí metan-nitơ nồng độ 19%; sự kết hợp của cả vi khuẩn hiếm khí và kị khí ở độ sâu từ 4,55 đến 13,4m với lớp trầm tích hữu cơ dày trên đáy sông đất sét và cát... Dưới tác động của áp suất, khí metan được đẩy lên mặt nước, sau đó kết hợp với oxy và bốc cháy thành những quả cầu lửa có màu sắc không thay đổi, không có khói và tiếng động. Có khoảng từ 200 đến 800 quả cầu lửa bay lên từ đoạn sông Mekong dài gần 100km - biên giới tự nhiên giữa Lào và Thái Lan.
Ống khói tuyết
Ống khói tuyết tại vùng cực
Hiện tượng này xảy ra cho mạch phun khí của núi lửa bị đóng băng. Các vùng cực trên trái đất cũng có núi lửa và khi khí của chúng thoát ra ngoài, nhiệt độ thấp khiến chúng đóng băng “ngay tắp lự” tạo thành những ống khói tuyết như hình.
Cột ánh sáng
Những cột sáng tuyệt đẹp tại vùng lạnh giá
Light pillar hay cột sáng, là một hiện tượng quang học thú vị và đẹp mắt xảy ra ở những nơi có thời tiết rất lạnh giá. Hiện tượng này được tạo thành bởi sự phản chiếu ánh sáng từ rất nhiều tinh thể băng rất nhỏ lơ lửng trong không khí hoặc các đám mây.
Hiện tượng quang học Light pillar - Cột sáng ở thành phố Boden, nước Thụy Điển vào đêm 8/11/2014.
Những cột sáng này khiến cho quang cảnh trở nên rất đẹp mắt, trông giống như món quà mà thần ánh sáng ban tặng vậy.
Tuyết "Spaghetti"
Tuyết có dạng như sợi mì spahetti
Một người đàn ông ở Hameenlinna, Phần Lan đã phát hiện ra hiện tượng lạ trên bề mặt tuyết ở gần nhà.
Nhìn thì có vẻ khá "ngon miệng" nhưng thực sự “tuyết spaghetti” được tạo ra nhờ sự chuyển động của gió và nước, tuy không sạch sẽ tới mức ăn được nhưng đủ khiến chúng trông như những sợi mì đích thực vậy.
Rừng cây “uốn dẻo”
Gốc cây uốn cong rất "nghệ" tại Ba Lan
Những cây thông trăm tuổi tại Ba Lan có phần thân khá “dặt dẹo” về phía gốc cây. Trông chúng rất lạ lùng như người ta cố tình uống cong vậy.
Thực tế, các nhà sinh vật học cho rằng tác giả của quang cảnh kì dị này là một cơn bão. Gió đẩy ngã những cái cây khi chúng đang phát triển và sau đó theo đặc tính hướng về phía ánh sáng của cây cối, chúng lại uốn mình về phía mặt trời tạo thành hình dáng quái dị như ngày nay.
NGÂN LÊ (Tin8, ảnh: Internet)