Đường hầm Tower, Nhật Bản: Tòa nhà Gate Tower ở Osaka là một trong những tòa nhà có kết cấu “lạ đời” nhất Nhật Bản. Điểm đặc biệt của tòa nhà này chính là việc tầng 5, 6, 7 của tòa nhà văn phòng 16 tầng này bị một con đường cao tốc chiếm dụng và xuyên qua chính giữa tạo thành một đường hầm trên không kì lạ bậc nhất thế giới.
Đường hầm Laerdal: Dài 24,5km, đường hầm Laerdal ở Na Uy là hầm đường bộ dài nhất thế giới với chi phí xây dựng 153 triệu USD. Trong hầm có nhiều cấu trúc đặc biệt được thiết kế màu sắc để giảm bớt sự mệt mỏi và chứng sợ nơi chật hẹp của tài xế.
Đường hầm Channel: Danh hiệu đường hầm dưới nước dài nhất thế giới thuộc về đường hầm Channel kết nối Anh và lục địa châu Âu với đoạn chìm dưới nước dài 37,9km. Chính đoạn đường hầm này giúp cho việc giao thương ở châu Âu thêm phần thuận tiện và nhộn nhịp hơn rất nhiều.
Đường hầm Aqua Line: Nằm ở Tokyo, Nhật Bản, gồm một nhịp cầu dài 4,4km và một đường hầm dưới biển dài 9,6km. Aqua Line đi qua vịnh Tokyo, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố Kawasaki và Kisarazu từ 90 phút xuống 15 phút.
Đường hầm Elsenhower: Là một trong những hầm đường bộ cao nhất thế giới với độ cao 3.401m so với mực nước biển.
Đường hầm Spiralen ở Na Uy: Đường hầm này được xây dựng vào năm 1961. Nó bao gồm 6 đường xoắn ốc với tổng chiều dài 1.649 km. Một kĩ sư cho hay một số đường hầm ở Na Uy có chi phí xây dựng rất rẻ. Điều này là do các kỹ sư đã tối giản thiết kế theo các yêu cầu cơ bản để phương tiện có thể di chuyển trong hầm.
Đường hầm SMART: Dài 9,7km là đường hầm dài nhất Malaysia. Nó được xây dựng nhằm giải quyết vấn đề lũ quét ở Kuala Lumpur. Điều đặc biệt ở đây là SMART là sự kết hợp giữa đường bộ và hầm xả lũ. Nó có thể sử dụng để chứa nước trong khi lũ và tiến hành xả ra sông để trở thành đường bộ trong vài giờ sau đó.
Đường hầm dưới nước Bund Sightseeing ở Thượng Hải, Trung Quốc: Tuy chỉ dài 646,7m nhưng lại ghi điểm bởi cảnh quan đẹp mắt. Được biết một công ty địa phương đã tạo hiệu ứng âm thanh và hình ảnh bên trong hầm.
NGÂN LÊ (Tin8, ảnh: Internet)