Những vấn đề của Nhật Bản
Mỗi quốc gia phát triển phải đối diện với những vấn đề xã hội khác nhau. Trong trường hợp của Nhật Bản, nơi có tỷ lệ người cao tuổi hàng đầu thế giới (27,5% dân số Nhật trên 65 tuổi – tỷ lệ cao gấp đôi so với Mỹ), đất nước mặt trời mọc đang đối diện với một vấn đề chưa từng thấy: tội phạm tuổi già.
Những lời phàn nàn và bắt giữ liên quan đến người cao tuổi phạm pháp đang tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi. Cứ 5 phụ nữ Nhật đang ngồi trong tù thì có 1 người cao tuổi. Họ thường phạm những tội rất nhỏ. Khoảng 9/10 người phụ nữ già này mắc tội ăn cắp vặt. Vậy vì lí do gì, họ lại phạm tội vớ vẩn kiểu như vậy?
Trước đây, trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi thuộc về gia đình và cộng đồng, thế nhưng điều đó đang dần thay đổi. Từ năm 1980 đến năm 2015, số lượng người cao tuổi sống một mình tại Nhật tăng hơn sáu lần, lên hơn 6 triệu người. Khảo sát thực hiện năm 2017 do chính quyền thành phố Tokyo thực hiện, cho thấy hơn một nửa những người cao tuổi bị bắt vì tội ăn cắp vặt hiện đang sống một mình. 40% những người này không có gia đình hoặc hiếm khi nói chuyện với họ hàng. Họ thường nói họ không có nơi nào để trở về.
Một vài người có nơi để về, tuy nhiên những người phụ nữ này sợ cảm giác vô hình trong chính ngôi nhà của mình.. Quản giáo trưởng tại Iwakuni, bà Yumi Muranaka, chia sẻ: "Họ có thể có một ngôi nhà, họ có thể có gia đình. Tuy nhiên, điều đó không bảo đảm rằng, họ có một mái ấm gia đình. Họ cho rằng, bản thân bị bỏ rơi và không được lắng nghe. Họ cảm giác họ chỉ là người giúp việc trong gia đình".
Những phụ nữ cao tuổi này thường gặp phải nhiều khó khăn về kinh tế. Gần một nửa phụ nữ trên 65 tuổi sống một mình trong cảnh nghèo khó. Tỷ lệ này trong nhóm những người đàn ông cao tuổi chỉ 29%.
Họ thường nói họ không có nơi nào để trở về
Chính phủ Nhật Bản chưa thiết lập được một hệ thống cần thiết để giúp đỡ những tội phạm cao tuổi này tái hòa nhập cộng đồng. Trong khi đó chi phí chăm sóc họ trong tù đang tăng chóng mặt. Chi phí liên quan đến vấn đề sức khỏe cho người cao tuổi tại các khu giam giữ đã vượt quá 6 tỷ yên tương đương hơn 50 triệu USD trong năm 2015, tăng 80% so với một thập kỷ trước. Nhiều người trợ lý đặc biệt đã được tuyển dụng để giúp đỡ những tội phạm cao tuổi làm vệ sinh cá nhân. Về đêm, những người gác tù đảm nhiệm việc này.
Ở một số địa phương, người quản tù nhiều khi giống như một nhân viên y tế đặc biệt. Một người từng làm quản tù tại nhà tù tỉnh Tochigi, bà Satomi Kezuka, cho biết, một số người già mắc bệnh xấu hổ: "Họ ngượng nghịu và giấu quần áo lót của bản thân. Tôi phải đến bên họ và nói rằng tôi sẽ giặt hộ họ". Công việc quá vất vả, hơn 30% quản tù nghỉ việc trong vòng ba năm làm việc đầu tiên.
Năm 2016, chính phủ Nhật đã thông qua một dự luật cho phép những phạm nhân cao tuổi được phép nhận hỗ trợ từ hệ thống an sinh xã hội. Từ đó đến nay, các công tố viên và quản tù hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo những phạm nhân cao tuổi được tiếp cận với những sự hỗ trợ cần thiết.
Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ có quá nhiều phạm nhân nữ không muốn ra tù bởi vấn đề của họ vượt quá khả năng của hệ thống. Đó là sự cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi trong một xã hội quá khép mình của Nhật Bản.
Hãy lắng nghe những câu chuyện của họ
Bà A, 67 tuổi, "Tôi ăn cắp không phải vì tiền"
Bà A có chồng, 2 con trai và ba cháu trai. Phạm tội ăn cắp quần áo, lần đầu thụ án. Án tù 2 năm, 3 tháng.
"Tôi ăn cắp hơn 20 lần, đó là quần áo rẻ tiền hoặc hàng giảm giá bên hè phố. Tôi ăn cắp không phải vì tiền. Lần đầu tôi ăn cắp, tôi nhận ra mình không bị bắt. Và sau đó tôi cảm thấy việc này thật vui."
"Chồng tôi tỏ ra thông cảm. Ông ấy viết thư cho tôi thường xuyên. Chỉ có hai con trai là giận dữ. Những người cháu của tôi không biết tôi ở đây. Những đứa nhỏ cứ nghĩ tôi nằm bệnh...