Mùa đông trời lạnh, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện để làm ấm, đun nóng tăng rất cao, đặc biệt là bình nóng lạnh. Hiện nay, hầu như tất các các gia đình đều lắp bình nóng lạnh để tiện dùng nước nóng khi tắm, nhưng đi đôi với việc đó, bình nóng lạnh cũng trở thành một thiết bị nguy hiểm có thể phát nổ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tài sản lẫn tính mạng con người nếu sử dụng không đúng cách.
Mới đây, vụ việc bình nóng lạnh của nhà anh T.T (Hà Nội) nổ tung khiến cả nhà tắm cháy đen khi anh T vừa bật bình vừa chuẩn bị tắm khiến nhiều người hết sức hoang mang, lo lắng. Rất may mắn, anh T vẫn bình an và không bị thương nghiêm trọng.

Bình nóng lạnh nổ tung và cháy khét khiến nhà tắm của anh T.T đen kịt.

Bình phát nổ và bị cháy đen.


Trần và sàn nhà tắm đều đen sì. Bình chứa bồn cầu bị tung cả nắp đậy.
Vụ việc của anh T.T nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng mạng khi chia sẻ lên các trang MXH. Bạn P.N.A kể lại trường hợp tương tự do chính mình chứng kiến: “Tớ từng bị lúc đang bật nước nóng mà cả chuỗi đèn nhà tắm lẫn phòng giặt nổ đôm đốp, tóe sáng xì khói. Nên bây giờ khi bật nước nóng tớ tắt cả đèn đi”.
Không riêng trường hợp của anh T.T, trước đó, cũng từng xảy ra rất nhiều tai nạn thương tâm khác liên quan đến việc sử dụng bình nóng lạnh.
Cụ thể, vào khoảng 19h10 ngày 24/1/2014, sự việc đau lòng đã xảy ra ở khu 5 thôn Sơn Vi, xã Sơn Thủy, Thanh Thủy, Phú Thọ khi chị Phạm Thị Nga (SN 1975) bị giật điện vì bình nóng lạnh hở điện. Vì muốn cứu con thoát khỏi “thần chết”, ông Đỗ Đình Khôi (SN 1945) chạy vào ứng cứu cũng bị điện giật chết tại chỗ.
Vào khoảng 23h ngày 14/4/2016, một vụ tai nạn thương tâm khác do rò điện bình nóng lạnh xảy ra khiến 3 người trong một gia đình ở Vũng Tàu bị điện giật, 2 người tử vong tại chỗ.
Chưa hết, ngày 24/10/2016, chị Bùi H. cũng hoảng hốt chia sẻ trên MXH vụ nổ bình nóng lạnh diễn ra ngay tại gia đình mình: “Em bật bình được 10 phút, đi lấy quần áo chuẩn bị tắm cho cu Bi, vừa bước chân vô chuẩn bị xả nước bình chập điện nổ bụp. Em vội ôm con chạy ra ngoài kêu hô người trong nhà gạt cầu dao tổng. Điện nổ sáng cả góc nhà tắm, mùi cháy khét và đen cả một góc nhà. Thầm cảm ơn Trời Phật đã thương gia đình em và mọi người không sao hết”.

Bình nóng lạnh bị chập nổ nhà chị H.
Còn rất nhiều những vụ tai nạn khác xảy ra do rò điện hoặc nổ bình nóng lạnh đột ngột, gây ra những hậu quả nghiêm trọng mà ít người có thể lường trước. Những vụ việc này chính là lời cảnh tỉnh về vấn đề an toàn khi sử dụng bình nóng lạnh cho nhiều gia đình.
Thông thường, mỗi bình nóng lạnh đều được trang bị rơ-le tự ngắt, với nhiệm vụ tự động cấp điện để điều chỉnh nhiệt độ nước trong bình (tự ngắt khi nước đủ nóng và bật khi nước nguội đến một mức nhiệt nhất định). Không ít người lầm tưởng đó chính là rơ-le an toàn, khi đã ngắt là có thể tuyệt đối yên tâm, không cần rút phích cắm hay ngắt cầu dao, nên vẫn bật bình 24/24 kể cả trong khi tắm để nước được làm nóng liên tục.
Tuy nhiên, trên thực tế có 2 loại rơ-le riêng biệt. Loại nêu trên chỉ là rơ-le nhiệt, không phải là chiếc “tem bảo hành” cho độ an toàn của bình. Theo anh Phạm Thế Dự, giảng viên khoa Nhiệt lạnh trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội:
“Rơ-le để đóng/ngắt điện khi nhiệt độ nước tăng, giảm là rơ-le nhiệt, hoàn toàn khác với rơ-le chống giật. Rơ-le nhiệt hoạt động dựa trên cảm ứng nhiệt. Khi nhiệt độ nước thấp thì dòng điện được đóng để cấp nhiệt cho nước, thường có đèn báo sáng lên khi bình hoạt động, và khi đủ nhiệt, ngắt điện đèn sẽ tắt. Rơ-le này không có chức năng chống điện rò ra nước.
Còn rơ-le chống giật hoạt động dựa trên sự thay đổi của hiệu điện thế. Thông thường, hiệu điện thế sử dụng cho bình nóng...