Hồi sinh những vườn nhãn già
Anh Lò Văn Dũng (31 tuổi), Bí thư Đoàn thanh niên xã Pi Toong (H.Mường La, Sơn La) đã có sáng kiến ghép cành nhãn, góp phần làm hồi sinh nhiều vườn nhãn cổ, giúp người trồng nhãn có thu nhập cao. Anh Dũng là một trong số những nhà nông trẻ xuất sắc được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Dũng cho doanh thu 450 triệu đồng/năm và tạo việc làm cố định cho 3 lao động, với mức lương từ 7,5 - 8 triệu đồng/tháng.
Anh Dũng cho biết sáng kiến kỹ thuật ghép cành nhãn của anh xuất phát từ thực tế vườn nhãn của gia đình rộng gần 2 ha, được trồng từ năm 1995, sau hơn 20 năm khai thác đã già cỗi, sản lượng và chất lượng quả đều giảm sút, khó tiêu thụ, buộc phải tính đường chuyển đổi thay thế bằng cây trồng khác.
Nếu theo cách cải tạo vườn thông thường, gia đình sẽ phải chặt bỏ toàn bộ cây nhãn cũ, trồng nhãn mới và chờ đợi nhiều năm sau, cây nhãn mới cho thu hoạch quả. Suy đi tính lại, anh Dũng thấy cách làm này không hiệu quả, tốn kém chi phí đầu tư, trong khi vườn nhãn là thành quả bố mẹ sau nhiều năm gây dựng chuyển giao lại cho con.
Sau nhiều tháng mày mò lên mạng tìm kiếm giải pháp cải tạo vườn nhãn, anh Dũng tình cờ đọc, tiếp cận về kỹ thuật ghép cành rồi tìm cách thử nghiệm trên vườn nhãn của gia đình. Anh cho chặt sạch toàn bộ cành nhãn từ thân cây cũ, sau đó mua giống mới để ghép vào thân cây cho ra một vườn nhãn mới. Cách làm này giúp vườn nhãn cho thu hoạch sớm hơn so với trồng cây nhãn giống mới. Các cành nhãn giống mới được thân cây cũ nuôi dưỡng, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng nên cho quả to đều, cùi dày và mọng nước, năng suất cao gấp đôi so với vườn nhãn cũ.
Bên cạnh đó, nhãn ghép cành này cũng cho ra lứa nhãn chín muộn kéo dài cả tháng so với mùa nhãn chính vụ, nên giá bán cao. “Ngày trước phải mang ra chợ bán, giá cao lắm cũng chỉ được 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng nay nhãn chín muộn, giá 30.000 đồng/kg, có thương lái mua tận vườn. Doanh thu từ vườn nhãn năm 2016 cao gấp đôi so...