Mỗi ngày quán bắp của vợ chồng anh Tý, chị Vân chỉ bán hơn 100 trái bắp nướng, vì thế nếu đến muộn khách hàng đành phải ngậm ngùi ra về. Bất kể trời mưa gió, hàng ngày cứ 19h30 là hai vợ chồng nhóm than nướng bắp để bán.
Chị Vân cho biết: "Bắp nướng khá lâu chín, người ta mua nhiều nên phải chờ. Ban đầu tiệm không có tên nhưng đứng chờ quá lâu, khách quen đến mua cứ kêu 'bắp chờ' thành ra tôi để bảng lấy tên này".
Vì chỉ có 2 vợ chồng nên chị Vân và anh Tý không thể bán nhiều bắp hơn. Việc buôn bán ở vỉa hè khá phức tạp nên anh chị không tiện thuê thêm người làm.
Những ngày gần đây, lượng khách nhiều hơn hẳn nên hai vợ chồng làm liền tay vẫn xoay không kịp. Để người đến trước có thể mua trước, người đến sau mua sau, chủ quán nghĩ ra cách đưa cuốn phiếu giữ xe cho khách đặt mua kèm theo số lượng để sắp xếp thứ tự.
Khách đến mua sẽ ghi tên và số lượng vào phiếu, chờ đến lượt người bán gọi tên thì đến lấy bắp và trả tiền.
Bắp chị Vân bán đều là bắp quê, mua sỉ giá 2.000-3.000 đồng/trái. Trung bình mỗi ngày, hai vợ chồng kiếm được khoảng 500.000-700.000 đồng.
Điều khiến quán bắp này trở nên đặc biệt là ở công thức mỡ hành của riêng chủ quán.
Ở các quán khác, người ta nướng bắp và làm mỡ hành sẵn để khi khách đến có thể ăn ngay, còn quán của anh Tý chỉ khi nào khách đến thì anh mới bắt đầu nướng bắp và làm mỡ hành tại chỗ để món ăn được giữ nguyên hương vị.
Người mua có thể chọn 2 cách là ăn như truyền thống hoặc người bán dùng dao tách phần hạt bỏ vào ly, chan mỡ hành thêm ớt khô tùy nhu cầu.
Có những người đã đến chờ nhiều lần nhưng vẫn bỏ cuộc giữa chừng vì khách quá đông.
Dù phải chờ lâu nhưng khách vẫn luôn vui vẻ vì thỉnh thoảng chủ quán lại cười nói khiến mọi người thấy thoải mái.
DƯƠNG DƯƠNG (Tin8, Ảnh: Zing)