Nhiều hạng mục tại Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Huy Thanh
Sau sự cố sập mảng vữa trần, xảy ra vào cuối tháng 10-2017, đến nay, thầy và trò Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) vẫn đang hằng ngày đối mặt với những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào. Ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, để hạn chế nguy cơ mất an toàn đối với giáo viên, học sinh, nhà trường đã dịch chuyển địa điểm học của một số lớp, thường xuyên rà soát toàn bộ các hạng mục, trát lại các vết nứt, vỡ trên trần và tường, gia cố những hạng mục bị hư hỏng… Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Chị Hoàng Thị Oanh, phụ huynh học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông trăn trở: “Chúng tôi nghe nói trường được ưu tiên để đẩy sớm tiến độ cải tạo, nâng cấp, vậy mà đã gần 3 tháng trôi qua kể từ sự cố sập mảng vữa trần gần nhất, đến nay, tình hình vẫn chưa có chuyển biến. Điều đáng nói là sự cố này đã tái diễn nhiều lần. Mỗi ngày các con đến trường là mỗi ngày chúng tôi thấp thỏm lo âu…”.
Thực trạng trường, lớp học xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cũng diễn ra ở một số trường học trên địa bàn thành phố. Cụm trường THPT thuộc địa bàn Hoàng Mai – Thanh Trì có 6 trường THPT công lập thì 2 trường là Ngọc Hồi và Trương Định xuống cấp trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi cho biết: Trường có cơ sở vật chất kém nhất trên địa bàn với nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp như phòng học, phòng chức năng, tường rào…, thậm chí nhà để xe cho học sinh cũng không có. Hằng năm, nhà trường đều nỗ lực huy động nguồn lực để cải tạo, sửa chữa song cũng chỉ mang tính chắp vá bởi mọi hạng mục đã quá cũ và lạc hậu.
Trường THCS Sơn Công (huyện Ứng Hòa) cũng ở trong tình cảnh tương tự. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Võ lo lắng: “Trường đã có tuổi đời trên 60 năm, hầu hết tường, cửa phòng học đều đã bong tróc, hư hỏng. Năm học 2017-2018, nhà trường dù rất cố gắng sắp xếp cũng chỉ đủ 9 phòng học cho hơn 300 học sinh; phòng chức năng, thư viện, y tế, phòng hội đồng… đều không có; hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên làm việc chung một phòng. Chúng tôi chưa biết sẽ xoay xở ra sao khi số học sinh vào lớp 6 năm học tới tại địa phương được dự báo tăng nhiều…”.
Tổng rà soát cơ sở vật chất là yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với các nhà trường để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học 2018-2019. Riêng với khối trường THPT, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) nhấn mạnh: “Các trường phải chủ động rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, trên cơ sở đó đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp. Theo dự báo, quy mô học sinh...