Làng nghề được hiểu là một cộng đồng dân cư, sản xuất các sản phẩm thủ công cùng chủng loại. các làng nghề không chỉ có tính chất kinh tế mà còn thể hiện nét văn hóa cộng đồng của người Việt Nam.
1. Làng nghề gốm Bát Tràng ở Hà Nội
Gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội được đánh giá cao cả trong và ngoài nước - Ảnh: Internet
Gốm Bát Tràng là tên gọi chung các loại đồ gốm được sản xuất tại làng gốm Bát Tràng – ngôi làng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Làng gốm Bát Tràng đã tồn tại khoảng hơn 500 năm. Với đôi tay tài hoa, các nghệ nhân làm gốm nơi đây đã tạo nên những sản phẩm gốm như bình hoa, chậu cảnh… vô cùng tinh tế, đẹp mắt mà hiếm nơi nào có được.
Du khách đến thăm làng gốm sẽ được tham quan một vòng làng nghề và tìm hiểu lịch sử nghề, chiêm ngưỡng ngôi chùa cổ kính tại đây được xây hoàn toàn bằng gạch Bát Tràng.
Ngoài ra, bạn còn có thể đến các xưởng làm gốm và tráng men để tự tay làm 1 món đồ gốm.
2. Làng nghề Trống Đọi Tam, tỉnh Hà Nam
Làng làm trống Đọi Tam, tỉnh Hà Nam không chỉ nổi tiếng với nghề làm trống truyền thống mà còn nổi tiếng về đội trống nữ có một không hai của cả vùng - Ảnh: Internet
Làng trống Đọi Tam là làng nghề chuyên làm trống với lịch sử trên 1.000 năm.
Làng trống Đọi Tam sản xuất rất nhiều loại trống. Đặc điểm nổi bật mà trống Đọi Tam hơn các nơi khác chính là làm trống nhờ kỹ thuật làm trống điêu luyện, trống bền, đẹp, âm thanh tốt…
3. Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, Thành phố Đà Nẵng
Làng đá mỹ nghệ Non Nước - điểm du lịch văn hóa ở Đà Nẵng - Ảnh: Internet
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nổi tiếng cả Việt Nam. Làng nghề này được hình thành từ thế kỷ 18, cả làng đều sinh sống bằng nghề đá mỹ nghệ cho đến ngày nay.
Nơi đây là nơi sản xuất nhiều sản phẩm mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch như: tượng Phật, tượng Thánh, tượng người, vòng tay…
Đá cẩm thạch mà các nghệ nhân sử dụng vốn được khai thác ở núi Ngũ Hành Sơn – 1 ngọn núi rất nổi tiếng ở TP. Đà Nẵng – có nhiều vân ngũ sắc.
4. Làng nghề muối Tuyết Diêm, tỉnh Phú Yên
Ruộng muối và nghề làm muối đã là một cảnh quan đặc trưng của vùng đất tỉnh Phú Yên - Ảnh: Internet
Tỉnh Phú Yên cách TP.HCM khoảng 560km. Phú Yên có nhiều làng nghề nổi tiếng, trong đó có làng muối Tuyết Diêm thuộc huyện Sông Cầu có lịch sử hơn 300 năm.
Nghề làm muối cực hơn nhiều so với nghề nông vì người làm muối phải làm việc trong thời tiết nóng như đổ lửa.
Du khách có thể đến thăm làng nghề làm muối Tuyết Diêm để hiểu hơn về những giá trị văn hoá của làng nghề cũng như thấu hiểu được nỗi cơ cực của người làm muối.
5. Làng nghề thuyền thúng, tỉnh Phú Yên
Nhờ xuất ngoại thuyền thúng, cuộc sống người dân ở làng nghề thuyền thúng Phú Mỹ đã khởi sắc - Ảnh: Internet
Làng nghề làm thuyền thúng có hơn 100 năm tại thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Thuyền thúng được làm bằng cây tre. Cây tre trồng ở Phú Yên chịu nước tốt, đặc biệt dẻo dai nên các thuyền thúng làm từ loại tre này cũng có chất lượng rất cao.
6. Làng nón bài thơ Tây Hồ, tỉnh Thừa Thiên Huế
Nón lá là vật dụng quen thuộc trong đời sống người Việt Nam và là món quà lưu niệm được nhiều du khách tìm mua - Ảnh: Internet
Làng nón Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nón là 1 dạng mũ có hình chóp, làm từ 1 số loại lá, có dây vải đeo.
Nón bài thơ là một loại nón đặc biệt ở Huế, khi soi lên ánh sáng thì thấy hiện bài thơ hay hình ảnh, hoa văn được tạo khéo léo giữa hai lớp nón.
Không ai biết chính xác làng làm nón bài thơ từ khi nào mà chỉ biết rằng làng đã có từ rất lâu.
THY HOÀI (Tin8)