
PGS-TS Nguyễn Thị Phương Trang
Chính niềm đam mê của cô Phương Trang (Giảng viên chính Khoa Báo chí & Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TPHCM) với ngành học này và sự chuyển tải kiến thức một cách nhẹ nhàng mà đầy nội lực đã làm tình yêu của chúng tôi với Ngôn ngữ học nảy nở tự bao giờ.
Tôi còn nhớ, một ngày của tháng 10/2006, chúng tôi từ nhiều miền quê của tổ quốc có mặt ở phòng C02, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM để học môn chuyên ngành đầu tiên của năm thứ nhất – Ngữ âm học tiếng Việt. Cái tên xa lạ của môn học, cộng với cái nắng oi bức của tháng 10 làm cho chúng tôi ít nhiều lo lắng, hồi hộp. Đúng lúc đó, cô bước vào lớp, đặt nhẹ chiếc cặp xinh xinh lên bàn, chờ chúng tôi ổn định rồi nở nụ cười “tươi không cần tưới” – “Chào các em”.
Giọng Hà Nội của cô cất lên đầy ấm áp và thân thiện. Nhìn cô nền nã, dịu dàng trong tà áo dài, ánh mắt thì sinh động, thay đổi theo từng ngữ cảnh của câu chữ, chúng tôi thực sự bị cuốn hút và ấn tượng. Lớp chúng tôi, nhiều người lùng sục bài Tạm biệt của Thu Bồn để ngân nga sau khi nghe cô đọc “Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ/ Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu/ Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng/ Mặt trời vàng và mắt em nâu…”. Giờ học nào cũng vậy, cô Phương Trang luôn nhiệt huyết, dồn hết tình yêu vào trong bài giảng nên tình yêu đó nhanh chóng bao trùm, làm chúng tôi say mê từng âm sắc, cái hay cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Qua lời cô, các khái niệm ngữ học xa lạ: “âm vị”, “âm tiết”, “âm tố” đã vào trong tâm thức chúng tôi một cách nhẹ nhàng, đáng yêu đến lạ.
Vì vậy, không ai bảo ai, bước vào năm thứ 3 đại học, khi chuẩn bị chọn chuyên ngành sâu giữa Văn học, Ngôn ngữ hay Hán Nôm, nhiều người trong chúng tôi chọn Ngôn ngữ học, với chung một lý do, “vì cô Phương Trang”, vì chính cô đã làm chúng tôi say mê ngành học này chứ không phải một ai khác. Thổ lộ với cô điều đó, cô thể hiện sự xúc động và nói “đó là một phần thưởng quý giá đối với một người làm nghề dạy học, đồng thời đó cũng là đòi hỏi khiến cô phải cố gắng hơn, không làm các em thất vọng”.
Quả đúng vậy, cô không hề làm chúng tôi thất vọng, mà chúng tôi ngày càng ngưỡng mộ cô hơn. Nếu như ngày trước chúng tôi trố mắt khi cô giáo đang giảng bài cho mình vừa trẻ vừa xinh, “chắc chỉ hơn mình mấy tuổi” ấy đã là tiến sĩ ngôn ngữ học và còn là tiến sĩ ngữ học trẻ tuổi nhất cả nước vào thời điểm năm 1999; thì năm 2015, lũ học trò chúng tôi đã rất hạnh phúc và gửi nhiều lời chúc mừng khi biết cô được phong Phó Giáo sư.
Ngoài công tác giảng dạy cho một số khoa, dạy chuyên đề sau đại học cho học viên và nghiên cứu sinh chuyên ngành ngôn ngữ học, cô còn hướng dẫn luận văn Cao học, luận án Tiến sĩ và tham gia các hội đồng đánh giá luận án, luận văn trong và ngoài trường.
Với quan niệm “Muốn nhóm lên một đốm lửa ở người học, thì chính mình không thể nguội lạnh với những gì mình đang giảng, đang khơi gợi, càng không thể nguội lạnh với mối quan tâm của sinh viên. Những giờ giảng dù là lý thuyết, vẫn có thể khiến nó thật sự ‘xanh tươi’ khi gắn nó với thực tiễn xung quanh,...