Việc khẳng định bảo đảm đầu ra cho các giáo sinh tương lai là điều kiện hấp dẫn để thu hút nhân tài vào học ngành này
Việc các trường sư phạm không tuyển được học sinh giỏi khi điểm đầu vào hạ quá thấp được lý giải là do sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm. Tình trạng đào tạo ồ ạt khiến đầu ra không có việc làm kéo dài đã làm cho nguồn nhân lực ngành Sư phạm bị thay đổi, đòi hỏi phải sớm điều chỉnh chính sách.
Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhiều trường sư phạm chưa bảo đảm cân đối về cơ cấu, trình độ và ngành nghề để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Các chính sách thu hút người có năng lực theo học sư phạm chưa hấp dẫn dẫn đến việc nhiều ngành Sư phạm cần và có chỉ tiêu tuyển sinh nhưng không tuyển sinh được. Giáo sư Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cho rằng, việc nhiều sinh viên sư phạm không có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề đã dẫn tới sự lãng phí lớn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đã đến lúc, ngành Sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra mà không sử dụng. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là phải đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và yêu cầu chất lượng. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố cần xác định nhu cầu nhân lực sư phạm trong các giai đoạn trung và dài hạn, xây dựng kế hoạch đặt hàng, tuyển dụng và cam kết phân công công việc sau khi đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ có trách nhiệm cùng làm việc với các địa phương để có giải pháp cụ thể.
“Chúng ta thống nhất rằng từ năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành Sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Tuyển sinh ngành Sư phạm sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2018
Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chủ trương đào tạo sư phạm theo đặt hàng của các địa phương là đúng. “Các địa phương nắm rõ nhất họ thiếu gì, thừa gì, cần thêm bao nhiêu giáo viên ở cấp nào. Đào tạo theo nhu cầu của địa phương là hoàn toàn chính xác và tôi ủng hộ điều đó”, Giáo sư Đào Trọng Thi phân tích. Với cơ chế này, số lượng sinh viên đào tạo sư phạm sẽ bị thu hẹp lại.
Quy mô được siết như vậy thì đầu tư cho sư phạm sẽ tốt hơn, cải thiện được các điều kiện đầu tư cho ngành Sư phạm.
Bên cạnh đó, việc đào tạo theo yêu cầu...