Năm 2018 sẽ chuyển dần khái niệm thi sang kiểm tra, đánh giá năng lực
Dư luận và báo chí thời gian qua đã bức xúc vì có quá nhiều cuộc thi với học sinh (HS) phổ thông và những hệ lụy của tiêu cực cũng như áp lực thành tích trong các cuộc thi này.
Sau hàng năm trời “thai nghén”, Bộ GD-ĐT đã quyết định tinh giản nhiều cuộc thi dành cho HS, đồng thời Bộ và các sở cũng quyết định không tham gia hoặc phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi vốn rất “nổi tiếng” cả về số lượng giải thưởng cũng như những hệ lụy đằng sau nó.
Kết luận tại hội nghị với 63 giám đốc sở GD-ĐT trên cả nước trong tháng 12.2017, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định phải chuyển dần khái niệm thi sang kiểm tra, đánh giá kiến thức của HS, giảm bớt các kỳ thi không thiết thực.
Ông cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc tinh giản các cuộc thi dành cho giáo viên và HS góp phần ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục.
Về tuyển sinh đầu cấp đối với các cơ sở giáo dục THCS có số lượng HS đăng ký dự tuyển cao hơn chỉ tiêu được giao thì có thể áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Không sử dụng kết quả các cuộc thi do các địa phương, doanh nghiệp tổ chức làm căn cứ tuyển sinh đầu cấp THCS, THPT. Như vậy, đã “sửa sai” bằng cách cho phép các trường này thi tuyển vào lớp 6 dưới tên gọi khác là “kiểm tra, đánh giá năng lực”.
Năm 2018 Bộ sửa những quy định về dạy thêm, học thêm không còn phù hợp, nhằm tăng cường trách nhiệm của sở GD-ĐT trong việc quản lý hoạt động này của các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên, văn hóa, ngoại ngữ, kỹ năng sống… đảm bảo lành mạnh, tránh biến tướng.
Ngoài ra, Vụ Kế hoạch – Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉnh sửa thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trình Bộ trưởng ban hành trước 30.4.2018.
Năm 2017, Bộ đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục. Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm tại dự thảo này là quy định “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Bộ GD-ĐT và các chuyên gia cho rằng việc bổ sung quy định này là nhằm thể chế các chính sách của Đảng và Nhà nước bởi Nghị quyết T.Ư 8 khóa 2 năm 1996 đã có câu “lương giáo viên phải cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp”, nhưng trên 20 năm vẫn chưa thực hiện được. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2018).
Theo kế...