Giáo viên hiến kế thực nghiệm chương trình mới để tránh thất bại

Ngày đăng: 04/02/2018
2,857 Read
189 Share
Những phương pháp giáo viên triển khai với chính những cô cậu học trò thật của mình nó chẳng đơn giản như khi dạy cho những học trò là chính thầy cô đóng thế.

Giáo viên hiến kế thực nghiệm chương trình mới để tránh thất bại 

Khi thầy cô đóng vai học trò để tập huấn mô hình trường học mới VNEN, ảnh minh họa, nguồn: Nguyễn Kim Thoa / thvanphai1.thainguyen.edu.vn.

Đọc bài “Oái oăm chương trình dạy trò lại đem thực nghiệm trên thầy” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/2, chúng tôi mới biết rằng chuyện này không chỉ diễn ra ở một nơi mà khá nhiều địa phương trong cả nước khi tập huấn chương trình mới thì giáo viên luôn là người đóng thế cho học sinh.

Vì điều này bảo sao những báo cáo tổng kết sau các đợt tập huấn lại không ghi toàn là những ưu điểm nổi trội, nó trái ngược hoàn toàn với khi mang những bài dạy ấy dạy trực tiếp cho học sinh.

Thường trong những lần thay sách, báo cáo viên sẽ thuyết trình phần lý thuyết cụ thể như quy trình lên một tiết dạy như thế nào? Hoạt động của giáo viên, hoạt động của học sinh…Sau đó, chia giáo viên theo từng nhóm.

Báo cáo viên phân chia môn thực hành như nhóm dạy tiếng Việt, nhóm dạy Toán, nhóm Tự nhiên và Xã hội… các nhóm tiến hành soạn bài theo lý thuyết vừa tiếp thu. Cuối cùng chọn một giáo viên có năng lực đóng vai người giảng (thầy hoặc cô giáo).

Giáo viên lên giảng, những giáo viên còn lại sẽ làm học sinh, báo cáo viên và những nhóm còn lại đóng vai người dự giờ để nhận xét ưu khuyết điểm của tiết dạy.

Tiết dạy diễn ra cứ như thật!

Giáo viên trong vai học sinh khi được mời trả lời cũng “thưa cô (thầy)…” và xưng em. Có giáo viên còn tạo tình huống cho đồng nghiệp mình xử lý để làm hấp dẫn thêm tiết dạy bằng cách cố tình trả lời sai một vài câu hỏi, làm sai một vài bài tập, thậm chí tỏ vẻ lơ là không chú ý…

Các nhóm xoay vòng dạy hết môn này đến môn khác sau đó đến phần nhận xét những điều được, chưa được của tiết học. Hết đợt tập huấn, về trường thầy cô sẽ đem hết những gì mình đã học, đã tiếp thu vào dạy cho trò.

Có điều “nó chẳng ăn nhập vào đâu” như lời của nhiều giáo viên kết luận. Vì những kiến thức, những phương pháp giáo viên triển khai với chính những cô cậu học trò thật của mình nó chẳng đơn giản như khi dạy cho những học trò là chính thầy cô đóng thế.

Trước thềm thay chương trình, chúng tôi xin được gửi kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo với mong muốn đợt tập huấn tới đây sẽ không đi theo lối mòn của những lần tập huấn trước.

Có thế chúng ta mới có thể đánh giá một cách khách quan nhất để từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp cả nội dung kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy.

2,857 Read
189 Share
(258)
:
TIN BÀI NÓNG!!!
Đăng nhập
Quên mật khẩu
Đăng ký
Về đầu trang