ảnh minh họa
Theo TS Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), sự thay đổi quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục hiện nay là trong chương trình, sách giáo khoa mới (CT, SGK) chuyển từ coi trọng truyền thụ kiến thức sang giáo dục nhân cách công dân, đồng thời phát huy tốt nhất tiềm năng của người học. Thực tế trước đây, trong giáo dục, chủ yếu cố gắng đưa thật nhiều tri thức khoa học vào nội dung cần dạy và người dạy “truyền thụ một chiều” để trong thời gian hạn chế vẫn chuyển tải được nhiều kiến thức đến người học, dẫn đến việc học trở thành nặng nề, quá tải. Vì vậy, trong đổi mới hiện nay, nhất là trong việc xây dựng CT, SGK đòi hỏi nội dung dạy học thật tinh giản, cơ bản, hiện đại và thiết thực. Quá trình dạy học cần coi trọng đồng thời cả hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm để hình thành và phát triển ở người học năng lực tư duy độc lập, vận dụng tổng hợp và linh hoạt tri thức để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và cuộc sống. Hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh phải bảo đảm sự thống nhất, tương tác. Trong đó, giáo viên giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, trọng tài; học sinh không chỉ là đối tượng của hoạt động dạy mà cũng chính là chủ thể của hoạt động học.
Theo Bộ GD và ĐT, ở cấp tiểu học và trung học cơ sở (THCS) những năm qua, việc triển khai mô hình trường học mới góp phần tích cực tạo tiền đề cho việc đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Trong đó, tài liệu triển khai trường học mới được thiết kế theo hướng SGK mô hình hoạt động, chú trọng hướng dẫn học sinh tự học; giáo viên gợi ý, hướng dẫn, hỗ trợ và là trọng tài để thảo luận, kiểm soát quá trình và kết quả học. Với khoảng hơn 5.000 trường tiểu học và THCS trên cả nước đang triển khai phương pháp dạy học tích cực theo mô hình mới cho thấy, giáo viên đã thay đổi từ truyền thụ kiến thức một chiều sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, tự học, thúc đẩy các nhóm và từng cá nhân học sinh hoạt động tích cực. Hoạt động dạy học theo mô hình trường học mới cũng tạo môi trường sư phạm thân thiện, dân chủ, hợp tác giữa các thành viên trong lớp học, nhà trường và cộng đồng nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực người học. Học sinh được phát huy vai trò chủ thể của quá trình học tập, biết cách học; chủ động, tự tin trong tương tác, giao tiếp với giáo viên và bạn bè; biết tương trợ nhau trong học tập để cùng tiến bộ. Đáng chú ý, khi đổi mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, trong dạy học của mô hình trường học mới còn giúp nhận thức của nhiều cha mẹ học sinh về vai trò và trách nhiệm...