ảnh minh họa
Sau khi Hội đồng kỷ luật trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) thông qua hình thức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn đối với 2 nữ sinh lớp 9 vì đánh dã man 3 nữ sinh lớp 7 của trường, các chuyên gia giáo dục đã bày tỏ quan điểm trái chiều.
Cân nhắc hình thức kỷ luật
TS Nguyễn Đức Danh, Trưởng Khoa Khoa học Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, băn khoăn: “Không rõ trường THCS Trần Hưng Đạo căn cứ cơ sở pháp lý nào. Tôi thấy bất ngờ về việc buộc thôi học 2 nữ sinh đến hết năm học 2017-2018, thời gian khá dài”.
Theo ông Danh, nhà trường vẫn là môi trường tốt nhất giúp trẻ hình thành và rèn luyện nhân cách. So với xã hội và gia đình – có cả 2 mặt tự giác và tự phát, tốt xấu lẫn lộn – nhà trường gồm đa số tác động tự giác như giảng dạy có giờ giấc, mục đích, nội dung, phương pháp…
“Ở lại trường học thêm một ngày, học được thêm một chữ vẫn tốt hơn ra ngoài xã hội vốn nhiều cạm bẫy”, ông Danh nhấn mạnh.
Theo ông, trẻ có hành vi xấu cần được giữ ở môi trường tốt như trường học. Khi nhà trường đưa ra quyết định kỷ luật học sinh (HS), cần cân nhắc xem mục đích của hình thức đó có tính giáo dục không, tâm lý trẻ ra sao, thời điểm có thích hợp?
TS Danh ủng hộ quan điểm giữ 2 HS lại rồi nhà trường mời chuyên gia tâm lý hoặc chỉ cần giáo viên chủ nhiệm ân cần tìm hiểu nguyên nhân, động viên và giúp các em dần thay đổi.
“Lỗi đầu tiên thuộc về cha mẹ, thầy cô. Vậy thì sao đổ dồn lên các em với hình phạt nghiêm khắc như vậy?”, ông Danh đặt câu hỏi.
Ông cho rằng khi nào nhà trường hội đủ điều kiện quản lý chặt chẽ, nhóm trẻ ít, điều kiện sân chơi rộng rãi, giảng viên được trả lương cao…, tình trạng bạo lực mới được hạn chế.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên khoa Khoa học Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận khi trẻ có hành vi sai lệch với bạn bè, ngoài nguyên nhân từ gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội, các nhóm (fanclub)… tác động, có thể còn do các em thiếu kỹ năng giải quyết xung đột, mâu thuẫn.
Có thể do sự không thống nhất trong quá trình xã hội hóa cá nhân (ví dụ thầy cô dạy một đằng, gia đình dạy một nẻo) khiến các em không phân biệt được đúng, sai.
Ngoài ra, việc người lớn sử dụng sức mạnh để dạy con cũng khiến trẻ nghĩ mình đủ quyền lực để “xử lý” những người yếu thế hơn.
“Cách ly gần một năm là hơi lâu nhưng khó có quyết định nào tốt hơn. Nếu sâu sắc hơn, nhà trường có thể cho người hướng dẫn, giám sát các nữ sinh này. Nếu các em có sự chuyển biến tích cực...