Tới khách sạn Arbez nơi du khách ngủ giữa... 2 quốc gia
Khách sạn Arbez nằm giữa biên giới hai nước ở làng La Cure. Tòa nhà được xây dựng từ đầu năm 1860, hai năm sau đó, Pháp và Thụy Sĩ ký lại thỏa thuận biên giới ở khu vực này. Theo thỏa thuận đó, Thụy Sĩ và Pháp đều sở hữu một số đất nhất định tại thị trấn La Cure.
Song, trước khi thỏa thuận được chính thức ký kết, một người dân địa phương ở La Cure tên Ponthus đã xây một cửa hàng ngay chính đường biên giới mới này. Thế nên, tòa nhà được tách ra thành hai phần riêng biệt, bên phía Pháp là quán bar, còn Thụy Sĩ là một của hàng tạp hóa.
Đường biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ chạy ngang qua khách sạn Arbez
Một cột mốc biên giới ở phía sau khách sạn
Điều may mắn, do Pháp và Thũy Sĩ đều là thành viên của Hiệp ước Schengen nên các du khách cũng như công dân Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ hoàn toàn có thể đi lại giữa hai quốc gia, cụ thể là trong tòa nhà này, mà không cần đưa hộ chiếu. Miễn là trước đó họ đã có hộ chiếu hợp lệ để vào một trong các quốc gia kể trên.
Năm 1921, Jules-Jean Arbeze mua lại tòa nhà và xây dựng nơi này thành khách sạn. Với vị trí đắc địa, khách sạn Arbez trở thành điểm đến nổi tiếng của cả hai nước, nơi giúp du khách được tận hưởng cảm giác ngủ giữa hai quốc gia trong cùng một đêm theo kiểu “đầu thì nằm ở Pháp, còn chân thì gác Thụy Sĩ”. Giá thuê phòng đôi ở đây khoảng 107 USD/đêm.
Nhà hàng cũng được chia đôi
Chiếc giường này một nửa nằm ở Pháp, một nửa nằm ở Thụy Sĩ
Cầu thang chia đôi giữa Pháp và Thụy Sỹ
Bảng hiệu cũng thể hiện hai nền văn hóa
Hơn nữa, giường ở khu phòng tân hôn chia làm hai nửa hoặc có phòng một phía bên Thụy Sĩ nhưng nhà tắm nằm phía bên Pháp. Du khách đến đây còn được trải nghiệm hai nền văn hóa và những truyền thống khác nhau khi nhà hàng của khách sạn cũng chia đôi ở giữa, phục vụ khách cả các món ăn Pháp và Thụy Sĩ. Thế nên, trên trang web của khách sạn này có lời giới thiệu đầy “kích thích”: “Hai quốc gia nhưng ngủ chung giường, ăn chung bàn” là thế.
Quay lại lịch sử, vào thời điểm thế chiến thứ II, phát xít Đức và Pháp có xảy ra xung đột, Đức cho quân tiến vào lãnh thổ Pháp. Trong khi đó, Thụy Sĩ là nước trung lập. Khi quân Đức tiến vào khách sạn, chiếc cầu thang duy nhất lên tầng hai sẽ bước vào lãnh thổ của Thụy Sĩ. Được biết, lính Đức không thể xâm nhập vào lãnh thổ trung lập. Do vậy, tầng 2 của khách sạn này thời đó nghiễm nhiên trở thành một điểm ẩn náu cực kỳ an toàn. Song giờ đây, tất cả đều là một phần của quá khứ.
MINH QUANG (Tin8, Ảnh: Internet)