Giáo sư Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng.
Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Luật Giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng tổ chức ngày 15/12.
Giáo sư Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng) đồng tình với chủ trương nâng lương cho giáo viên, vì nghề giáo đặc biệt quan trọng, đào tạo ra con người, có ảnh hưởng lớn đến tương lai đất nước. Công việc của những người thầy vất vả, áp lực từ nhiều phía: học sinh, gia đình, nhà trường… Thu nhập của họ phải xứng đáng với vị trí và trách nhiệm được giao.
Quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, theo ông Thi đã có từ hội nghị Trung ương năm 1996. Tuy nhiên, sau 20 năm điều này vẫn chưa được thực hiện do chưa được luật hóa.
“Hiện nay giáo viên được hưởng thêm phụ cấp giảng dạy và thâm niên, nhưng đây chỉ là yếu tố cứu trợ cho mức lương đang quá thấp, không mang lại cho giáo viên niềm tự hào và sự ổn định về thu nhập”, ông Thi nói. Khi cơ chế giúp nhà giáo có được thu nhập tốt, họ sẽ duy trì được đam mê, trách nhiệm với công việc và đào tạo ra những học sinh, sinh viên tốt.
Trong khi các ngành khác chỉ yêu cầu một trình độ cho nhiều vị trí công tác ví dụ chuyên viên, bộ trưởng đều có thể chung trình độ đại học, ngành giáo dục lại đặt ra yêu cầu trình độ riêng cho giáo viên dạy các cấp. Ví dụ, giáo viên mầm non phải có bằng từ trung cấp trở lên, giáo viên dạy THPT phải có bằng đại học, để trở thành giảng viên dạy các môn lý thuyết của chương trình đào tạo đại học phải có bằng thạc sĩ, người có bằng tiến sĩ mới được làm giảng viên giảng dạy và hướng dẫn chuyên đề, luận văn, luận án…
Từ thực tế này, GS Thi đề xuất “phải có thang bảng lương đặc thù riêng cho ngành giáo dục. Lương nhà giáo phải gắn liền với trình độ đào tạo của họ”. Đây cũng là ý kiến được một số đại biểu đồng tình.
Trong phiên họp về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, góp ý của PGS Trần Văn Tớp (Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội) về những bất cập nếu áp dụng việc không phân biệt bằng đại học hệ tại chức và chính quy, nhận được chú ý. Đề xuất nêu trong Luật sửa đổi theo ông khó khả thi ở thời điểm hiện tại. Nó chỉ có thể thực hiện khi mọi quy trình và chất lượng đào tạo phải giống nhau từ khâu tuyển sinh đầu vào, quản lý đào tạo, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, cách thức thi cử, đánh giá…

PGS Trần Văn Tớp, Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Tuy nhiên, hiện tại giữa 2 loại hình đào tạo này vẫn còn khoảng cách do cách thức tuyển sinh, quản lý đào tạo, quan niệm của xã hội và người sử dụng lao động, do thời gian tập trung cho việc học tập, quan niệm của cả người học và cơ sở đào tạo”, ông Tớp nêu.
Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, các đại học tuyển sinh và đào tạo hệ chính quy rất khắt khe. Dù quy chế cho các trường thể xét tuyển theo hồ sơ nhưng phần lớn vẫn áp dụng thi tuyển hoặc dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Một số trường xét tuyển theo hồ sơ nhưng chỉ nhằm vào học sinh khá, giỏi. Trong khi đó, việc tuyển sinh hệ đào tạo tại chức dễ hơn.
“Nếu hệ không tập trung tuyển sinh chặt chẽ và lấy...