Đào tạo sinh viên sư phạm phải dựa trên nhu cầu thực tế.
Một bên thì cho rằng đã đến lúc bỏ chủ trương miễn học phí một cách cào bằng cho tất cả sinh viên ngành sư phạm của các trường ĐH, CĐ công lập. Chỉ nên miễn với một số đối tượng nhất định như sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia để thu hút người giỏi vào sư phạm…
Theo phân tích của một hiệu trưởng trường ĐH sư phạm, chính sách miễn học phí để thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm đến nay đã thực hiện được gần 20 năm nhưng đến nay đã không phát huy được nhiều tác dụng do nhiều sinh viên sư phạm học xong không đi làm giáo viên mà tham gia vào thị trường lao động ở những lĩnh vực khác nhau. Như vậy là lãng phí ngân sách.
Trong khi đó, với việc cấp bù kinh phí trường nhận được từ ngân sách nhà nước lại quá thấp, nhà trường thường phải bù từ các khoản khác để đào tạo.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng thời gian đầu, chính sách miễn học phí phát huy tác dụng rất tốt với việc nâng “tỷ lệ chọi” của các trường sư phạm lên rất cao nhưng thực tế mấy năm gần đây, nhiều trường sư phạm cũng rơi vào tình trạng khó tuyển sinh dù đã hạ điểm chuẩn đến mức tương đương với ngưỡng đảm bảo chất lượng Bộ GD&ĐT công bố.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ lại cho thấy có tới hơn 50% sinh viên chọn ngành sư phạm do được miễn học phí. Nếu ngành sư phạm sẽ phải đóng học phí, hơn 55% sinh viên nói họ sẽ bỏ học; hơn 20% sinh viên lưỡng lự có nên học nữa hay không và chỉ có khoảng 22% khẳng định họ vẫn tiếp tục học ngành sư phạm.
Mặc dù khảo sát này mới thực hiện ở phạm vi một mẫu nhỏ trong số hàng nghìn sinh viên ngành sư phạm hiện nay nhưng cũng là một kết quả đáng để suy ngẫm. Nhiều giảng viên thừa nhận, trong quá trình giảng dạy cũng nhận thấy nhờ việc miễn học phí mà nhiều con em nhà nghèo học giỏi được tạo cơ hội vào đại học thay vì ở nhà, đi làm…
Câu hỏi đặt ra là, nếu chính sách miễn học phí thay đổi có làm giảm số lượng sinh viên theo học các ngành sư phạm hay không?
Không ai có thể đưa ra được câu trả lời chắc chắn nhưng có một sự thật là hiện nay, việc đào tạo dôi dư, thiếu tính toán khiến hàng nghìn cử nhân, trong đó có cử nhân sư phạm thất nghiệp phải đi làm trái ngành, trái nghề. Mặc dù những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã thực hiện cắt giảm 10-20% chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm nhưng dư luận vẫn lo ngại với số lượng cơ sở đào tạo sư phạm còn lớn, chỉ tiêu chung vẫn cao thì số lượng sinh viên theo học vẫn vượt quá cầu. Việc miễn học phí có thể ổn định chỉ tiêu của các trường sư phạm nhưng không có nghĩa là hút được người...