Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đoạt giải trong các cuộc thi tài năng, khởi nghiệp
Giáo sư (GS) Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàm lâm khoa học Việt Nam, khẳng định lịch sử dựng nước và giữ nước từ bao đời nay cho thấy, thời nào nhân tài được trọng dụng thì đất nước hưng thịnh, thời nào nhân tài bị khinh bạc thì đất nước suy vong. Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, nhất là trong dòng chảy của công nghiệp 4.0, thì vấn đề GD-ĐT, tuyển chọn người tài – kể cả trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật lẫn lãnh đạo, quản lý – càng bức xúc hơn bao giờ hết.
“Đảng ta đã khẳng định nhân tài không phải sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài và chương trình quốc gia về đào tạo bồi dưỡng cán bộ cũng đã được Đảng ta chú trọng”, GS Nguyễn Ngọc Minh nói.
“Không nên tập trung phát triển về số lượng mà phải lấy chất lượng là chính. Việc hàng chục ngàn học viên mỗi năm được “ra lò” với sự đào tạo dễ dãi, tràn lan và “bằng thật, chất lượng giả” là rất đáng báo động. Chỉ cần nhìn vào một viện nghiên cứu, hàng năm đều “sản xuất” ra hàng loạt tiến sĩ với một số đề tài ngây ngô và quá non nớt, thì thử hỏi chất lượng tiến sĩ như thế nào”, GS Nguyễn Ngọc Minh băn khoăn.
Về vấn đề thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước, Chính phủ đã có đề án phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ (tiến sĩ khoa học không quá 35 tuổi, tiến sĩ không quá 32 tuổi, thạc sĩ không quá 28 tuổi, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc không quá 25 tuổi) vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước; lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Mới đây, UBND TPHCM cũng vừa có dự thảo đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác tại các sở ban ngành, các khu công nghệ cao của TPHCM giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
Từ trước đến nay, nhiều địa phương như TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng đã triển khai các đề án đào tạo, bồi dưỡng người tài. Tuy nhiên, cho đến nay kết quả vẫn còn khiêm tốn, đòi hỏi tiếp tục có giải pháp để thực hiện hiệu quả. Theo GS Nguyễn Ngọc Minh, cần đổi mới chế độ thi – tuyển tạo nguồn, phát hiện và lựa chọn nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng. Cải cách phương thức đào tạo nhân tài. Cải cách thể chế quản lý giáo dục, mở cửa – quốc tế hóa các trường đào tạo nhân tài.
Mặt khác, theo GS Nguyễn Ngọc Minh, thước đo của chất lượng đại học phải được kiểm định ở các cơ quan kiểm định đạt chuẩn quốc...