ảnh minh họa
Với 24 năm trong nghề, cô Nguyễn Phương Thảo – hiệu trưởng trường mẫu giáo Hoàng Oanh (Long Xuyên, An Giang) đã tự đúc kết những bài học, nghiên cứu những giải pháp, phương pháp mới để viết sáng kiến đóng góp trực tiếp cho trường hoặc trong ngành.
Cô Thảo : Dạy trẻ cũng giống như trồng cây, luôn cần nâng niu, chăm sóc. Để đạt được yêu cầu chăm sóc trẻ chu đáo, hình thành tư duy, ý thức của bậc học đầu tiên trong đời, trong công tác điều hành, cần coi trọng cải thiện môi trường học tập của các bé.
Từ đó, cô Thảo đã viết một số sáng kiến kinh nghiệm: “Một số giải pháp xây dựng khu trò chơi vận động và dân gian ở trường mầm non cho trẻ”; “Một số biện pháp giúp cán bộ giáo viên, nhân viên bảo vệ môi trường và trường lớp ngày càng khang trang sạch, đẹp ở Trường Mẫu giáo Hoàng Oanh”… để góp phần tạo môi trường học tập thân thiện cho các bé.

Nhiều sáng kiến của cô Thảo đã được nhận giải cấp thành phố, cấp tỉnh, đem lại hiệu quả cao khi ứng dụng trong môi trường giáo dục mầm non. Đặc biệt, 2 mô hình “Khu trò chơi vận động và trò chơi dân gian cho trẻ” được Phòng GD&ĐT TP. Long Xuyên chọn làm thí điểm cho các trường trên địa bàn tham quan học tập.
Nhờ những đóng góp của cô Thảo, chất lượng giáo dục của trường ngày càng nâng lên, tạo sự an tâm cho phụ huynh. Năm học 2013-2014, Trường Mẫu giáo Hoàng Oanh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Từ thời điểm đó, tập thể giáo viên của trường càng tâm huyết với công việc để tiếp tục xây dựng môi trường sư phạm thân thiện.
Cô Thảo cho rằng, trẻ học cấp càng nhỏ thì việc dạy dỗ chăm sóc của giáo viên càng vất vả và áp lực. Nếu giáo viên các cấp học chú trọng truyền tải kiến thức, uốn nắn tính cách cho các em trưởng thành thì các cô dạy mẫu giáo là những người tạo nền tảng đầu tiên rất quan trọng. Xem học sinh như những đứa con của mình, môi trường trong mẫu giáo còn rất nhiều việc không tên khó kể hết.
Từng trải qua những năm tháng làm giáo viên nuôi dạy trẻ, cô Thảo càng thấu hiểu, luôn đem kinh nghiệm để hướng dẫn, động viên đồng nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn, nhất là những giáo viên mới ra trường.

“Tùy theo độ tuổi, có những bé năng động, tự làm theo ý riêng, chưa được uốn nắn, cá tính… mà giáo viên là người gần gũi các em hơn cả gia đình nên càng nhỏ nhẹ, càng thân thiết thương yêu thì các em sẽ ngoan. Chỉ khi xem các em là con cháu của mình và dạy bằng cái tâm, bằng lòng yêu nghề thì sẽ có niềm tin...