Chương trình phổ thông mới tập trung các buổi thực hành, phát triển năng lực người học Ảnh: TẤN THẠNH
với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, cho biết chương trình các môn học đã được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở góp ý của nhiều chuyên gia, giáo viên. Các môn được biên soạn theo chương trình tổng thể nên bảo đảm tính nhất quán, liên thông.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình tiếng Việt (ở bậc tiểu học)/ngữ văn (bậc THCS, THPT) mới xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng đến những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe ở mỗi lớp.
Nhằm tránh tình trạng bắt học sinh (HS) học thuộc lòng văn mẫu, theo chương trình mới, HS được thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và khuyến khích các bài viết thể hiện quan điểm riêng, sáng tạo.
Ở cấp THPT sẽ chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc là bài thơ “Thần”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Truyện Kiều”, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và “Tuyên ngôn độc lập”. Các tác phẩm văn học khác đưa vào phụ lục. Những nhóm tác giả viết sách giáo khoa có thể chủ động lựa chọn các tác phẩm khác nhau đưa vào sách nhưng phải hướng đến việc phát triển năng lực, phẩm chất HS.
GS Đỗ Đức Thái – thành viên Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, Chủ biên Chương trình môn toán – cho hay chương trình giáo dục toán học phổ thông trước đây quan tâm nhiều đến chuyện được học những đơn vị kiến thức nào, giải được bao nhiêu dạng bài tập, đi thi được bao nhiêu điểm. Trong khi đó, điểm mới quan trọng nhất, quyết định nhất ở chương trình phổ thông mới môn toán là tinh giản, thiết thực, sáng tạo, chuyển từ việc tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực người học.
Nội dung môn toán phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của toán học; đồng thời chú trọng tính ứng dụng, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác. Đặc biệt, ở từng cấp học, cũng dành nhiều thời gian cho các hoạt động trải nghiệm toán học như thực hiện đề tài, dự án học tập về ứng dụng toán học trong thực tiễn, tổ chức các trò chơi toán học…
Cấu trúc nội dung chương trình môn lịch sử và địa lý đổi mới khá căn bản. Chương trình lịch sử chỉ lựa chọn những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của vùng miền, quốc gia, khu vực, một số giai đoạn lịch sử, không tuân thủ nghiêm ngặt tính lịch đại. Hình thức dạy học chú trọng lối kể chuyện, dẫn chuyện lịch sử, giáo viên giúp cho HS làm quen với lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, khu vực và thế giới qua các câu chuyện lịch sử. Thông qua đó, tạo cơ sở để HS bước đầu nhận thức về khái niệm thời gian, không gian, đọc hiểu các nguồn sử liệu đơn giản về sự kiện, nhân vật lịch sử.
GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên Chương trình môn lịch sử mới, khẳng định ở cấp tiểu học, môn lịch sử và địa lý được dạy học từ lớp 4. Sự tích hợp sẽ theo logic...