Sự chia sẻ gần gũi giữa giáo viên và học sinh sẽ xóa đi những tâm lý tiêu cực ở trẻ
Ngày 26-2, Đồn Công an đường sắt ga Hà Nội, CAQ Đống Đa đã bàn giao 4 bé gái có ý định bỏ nhà, mua vé tàu vào miền Nam vì mắc lỗi, bị cô giáo phạt. Các cháu gái này cho biết, lý do định bỏ nhà là sợ bị bố mẹ mắng vì trước đó đã lỡ trốn học đi uống trà sữa, bị cô giáo phạt dọn vệ sinh. Cả 4 bé gái đều sinh năm 2005, là học sinh lớp 7 của một trường THCS tại địa bàn quận Long Biên, TP Hà Nội. Sau khi đưa các cháu về trụ sở, CBCS Đồn Công an đường sắt ga Hà Nội đã liên lạc với gia đình của 4 cháu thông báo sự việc và tận tình động viên, thuyết phục các cháu hiểu rõ sự việc, không tiếp tục có những hành động bộc phát như vậy nữa.
Trước đó, vào tháng 10-2017, tại trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Ba Đình, TP Hà Nội) cũng xảy ra một trường hợp tương tự. Theo phụ huynh N.T.T, con chị đang học lớp 2C, ngày 23-10-2017, vì mắc lỗi ở trên lớp, mà theo bản kiểm điểm của con thì “3 lần con mỏi người con tự đứng dậy nên bị cô giáo nhắc và phạt đứng tại chỗ làm bài”; ngoài ra con còn mắc lỗi nói chuyện trong lớp nên bị cô giáo phạt sẽ cho nghỉ học 1 ngày.
Tuy nhiên, cô lại chỉ nói với con, yêu cầu con về nói với bố mẹ chứ cô không nhắn tin hay điện thoại trao đổi cho phụ huynh biết. Vì vậy, ngày hôm sau phụ huynh vẫn đưa con đi học bình thường. Khi đến đón, thấy con khóc, phụ huynh tìm hiểu sự tình, nghe các bạn trong lớp nói lại rằng “vì cô phạt bạn nghỉ học nhưng bạn không nghỉ học nên cô nói bạn trước lớp”. Thực tế, cô giáo chưa phạt học sinh mà yêu cầu học sinh về nhà nói với bố mẹ gọi điện cho cô, nếu không cô sẽ phạt nghỉ học 1 ngày. Học sinh vì sợ nên đã không nói cho bố mẹ biết.
Một sự việc đau lòng xảy ra vào ngày 6-9-2017, sau khi thú nhận trộm đồ chơi của trường mầm non bên cạnh với cô giáo, cả 3 em học sinh tiểu học ở Nghệ An cùng rủ nhau vào rừng ăn lá ngón tự tử, vì sợ bố mẹ la mắng.
Cụ thể, trong buổi lễ khai giảng vào ngày 4-9, trường mầm non nằm bên cạnh điểm trường bản Thăm Hón (trường Tiểu học Na Ngoi 1) phát hiện bị mất trộm đồ chơi và nghi ngờ một số em học sinh của trường này leo tường vào lấy nên báo với lãnh đạo nhà trường. Sáng 6-9, giáo viên của điểm trường bản Thăm Hón hỏi về sự việc thì 3 em Xồng Bá Dìa, Xồng Bá Xồ và Xồng Bá Rê (cùng học sinh lớp 3) thú nhận đã lấy cắp đồ.
Các giáo viên có nói sẽ hỏi lại phụ huynh các em cho chắc, nếu có lấy đồ thì khuyên các em trả đồ chơi lại cho trường mầm non. Trưa hôm đó, sau khi về nhà, các em sợ cha mẹ biết sẽ la mắng, nên rủ nhau vào một ngọn đồi ở bản hái lá ngón ăn. Em Xồng Bá Dìa đã tử vong sau đó, còn 2 học sinh còn lại nguy kịch.

4 bé gái nghỉ học vì mải uống trà sữa, bị cô giáo phạt nên định mua vé tàu bỏ nhà đi xa
Những vụ việc trên hầu hết xuất phát từ việc trẻ mắc lỗi nhưng tâm lý quá sợ bố mẹ, thầy cô trách phạt nên mới suy nghĩ và hành động nông nổi. Có thể nói, tác động từ gia đình và thầy cô khiến trẻ như “con chim sợ cành cong”, luôn suy nghĩ tiêu cực, thiếu sự trao đổi trò chuyện sẻ chia giữa con với bố mẹ, học trò với thầy cô khi trẻ làm bất cứ việc gì.
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam: “Học sinh là lứa tuổi dễ xuất hiện cảm xúc tiêu cực dù là ở trường hay ở nhà, nên thường hành động thiếu suy nghĩ khi có vấn đề phát sinh. Có thể vì các em mắc lỗi rất nhỏ nhưng do sợ cha mẹ trách phạt, có em bỏ nhà đi bụi, có em nhảy lầu tự tử”.
Trước một sự việc nào đó, có thể do các em có lỗi, làm sai nhưng người lớn cũng cần xem xét. Khi trẻ làm sai, hầu hết người lớn ít khi dành thời gian tìm...